Có thể, thầy trò ông Miura sẽ cố gắng có một màn trình diễn “xem được” ở trận đấu cuối cùng trước U-23 Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) ở trận đấu cuối cùng tại vòng chung kết giải Bóng đá U-23 châu Á 2016. Đó cũng là ước muốn còn lại của người hâm mộ. Nhưng để hy vọng về một trận đấu có điểm, xem ra, đó là một nhiệm vụ “bất khả thi”.
Bóng đá UAE đã có một năm 2015 lạc quan với thành tích thứ ba của đội tuyển quốc gia tại ASIAN AFC Cup 2015. Sau đó, CLB Al Ahli chiếm vị trí Á quân AFC Champions League 2015. Tại vòng loại U23 châu Á, U-23 UAE dễ dàng chiếm ngôi đầu bảng D sau 3 trận toàn thắng trước Sri Lanka (4-0), Tajikistan (3-0) và Yemen (1-0).
Cũng như rất nhiều đội bóng tham gia giải U-23 châu Á 2016, U-23 UAE là tập hợp với đa phần cầu thủ từng sát cánh bên nhau trong màu áo U-22 UAE, từng tham gia thi đấu tại giải Vô địch Bóng đá U-22 châu Á 2013. Đây là một lợi thế rất lớn khi các học trò của HLV Abdullah Misfir có thời gian chơi bóng với nhau khá lâu, dễ có được sự ăn ý cần thiết.
Trước ngày sang Qatar, U-23 UAE đã có 3 trận giao hữu và gặt hái được những kết quả đầy lạc quan khi đánh bại U-23 CHDCND Triều Tiên (3-0), U-23 Trung Quốc (2-0) và thua U-23 Hàn Quốc (0-2). Vì thế, mục tiêu của HLV Abdullah Misfir cùng các học trò là tái lập thành tích giành quyền đến Olympic Rio De Janeiro 2016, như ngôi sao Omar Abdulrahman từng đưa U-23 UAE đến với London 2012.
Sau hai trận đấu vòng bảng (thắng U-23 Australia 1-0 và hòa U-23 Jordan 0-0), U-23 UAE cho thấy, họ hoàn toàn có cơ sở để hướng đến việc giành một trong ba vị trí hàng đầu của giải, đồng nghĩa với chiếc vé đến Olympic 2016.
Đây sẽ là những thách thức không nhỏ cho U-23 Việt Nam khi đối thủ của thầy trò HLV Toshiya Miura có lối chơi khá đa dạng và không quá chân phương như U-23 Australia, cũng như khả năng kết thúc đáng ngại hơn các chân sút U-23 Jordan. Vì thế, không thể chờ đợi một trận cầu có điểm cho U-23 Việt Nam. Chỉ hy vọng, một thất bại nếu xảy ra, cũng sẽ là một trận đấu tạo được ấn tượng đẹp từ các cầu thủ trẻ của chúng ta.
BẢO AN