Hình tượng đẹp đẽ về một tiền vệ mẫn cán và thủy chung mà Ryan Giggs mất công xây dựng lâu nay có vẻ như sẽ hư hao ít nhiều, sau khi bị phát hiện ngoại tình với người mẫu Imogen Thomas.
Người mẫu Imogen và bức hình đủ để đoán đó là Giggs trên tờ Sunday Herald. |
Gần đây dư luận không ngừng bàn tán về nghi án ngoại tình liên quan đến một ngôi sao ở giải Ngoại hạng Anh.
Trong một cuộc phỏng vấn, người mẫu kiêm ngôi sao truyền hình thực tế Imogen tiết lộ rằng, khoảng 6 tháng qua cô có quan hệ tình cảm với một cầu thủ nổi tiếng. Tuy nhiên, sau khi "no xôi chán chè", người này đã bỏ cô.
Không lâu sau, luật sư của cầu thủ kể trên tố cáo rằng Imogen đã gửi thư nặc danh đòi một khoản tiền để đổi lấy sự im lặng. Tòa án lập tức ra phán quyết yêu cầu giới truyền thông cũng như Imogen không được tiết lộ danh tính cầu thủ này. Quyết định này được đưa ra dựa trên luật đời tư của Anh.
Nhưng hôm qua Giggs được xác định là nhân vật nam chính trong câu chuyện ngoại tình này.
Đây là kết quả của cuộc đấu tranh giữa các nghị sĩ Anh với giới tư pháp tại Quốc hội.
Tồn tại từ nhiều thế kỷ, luật đời tư đã hạn chế quyền tự do ngôn luận của báo giới cũng như các nghị sỹ Quốc hội. Tuy nhiên, John Hemming, với sự hậu thuẫn của nhiều nghị sĩ đồng minh, đã sử dụng đặc quyền để phá luật trong một cuộc tranh luận về nhân quyền. Theo báo chí Anh, điều này báo hiệu một cuộc khủng hoảng hiến pháp, đồng thời đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến đấu của Giggs nhằm duy trì danh tiếng.
Khoảng 24 tiếng trước đó, ngôi sao 37 tuổi vẫn xuất hiện bình thản bên gia đình - vợ Stacey và hai con - trước đám đông 76.000 cổ động viên ở sân Old Trafford, để mừng chức vô địch giải Ngoại hạng Anh mùa này.
Giggs được cho là đã tiêu tốn ít nhất 150.000 bảng để thuê luật sư nhằm giữ bí mật. Một nguồn tin của truyền thông Anh khẳng định, Giggs từng rất sợ sự việc đến tai HLV Alex Ferguson.
Imogen đăng quang hoa hậu xứ Wales năm 2003, và được biết đến qua chương trình Big Brother.
Hiện có khoảng 75.000 người sử dụng mạng xã hội Twitter - vốn rất phổ biến ở châu Âu - đã đề cập đến tên tuổi của Giggs. Nghị sĩ Hemming cho rằng, cầu thủ của MU chỉ có thể kiện ban điều hành Twitter chứ không ai bỏ tù được toàn bộ 75.000 người.
Trước đó, tờ Sunday Herald của Scotland đã cho đăng ảnh của Giggs lên trang nhất, với một vệt ngang che đi đôi mắt. Đại diện của tờ báo này khẳng định báo của họ chỉ xuất bản ở Scotland nên không chịu sự kiềm tỏa của luật đời tư ở Anh. Để tránh rắc rối, sự kiện Giggs lần này chỉ được Sunday Herald đăng trên báo giấy chứ không đưa lên phiên bản online.
Giggs không còn che giấu được sự việc, nhưng Tòa Tối cao Anh vẫn ra lệnh cấm nói về tên tuổi của tiền vệ người xứ Wales.
John Whittingdale, Chủ tịch Ủy ban văn hóa Quốc hội, cũng như một số quan chức khác tỏ ra không hài lòng với hành động của Hemming. "Vấn đề đầu tiên, theo tôi là nếu các nghị sĩ cho rằng luật pháp hiện hành có những sai sót thì trước tiên nên chỉnh sửa chứ không phải phá luật. Thứ hai, kết quả của việc làm này (của Hemming) chỉ đem đến mỗi việc công khai tên tuổi của Ryan Giggs nhưng làm mất đi nhiều điều to lớn hơn".
Giggs là cầu thủ thi đấu nhiều nhất trong lịch sử MU, với 613 trận. Anh từng 64 lần khoác áo đội tuyển xứ Wales, trước khi giã từ năm 2007. Cũng trong năm đó, Giggs được nhận danh hiệu OBE của Vương Quốc Anh dành cho công dân kiểu mẫu (tước hiệu này kém KBE của HLV Alex Ferguson hai bậc).
Năm 2009, Giggs được Hãng thông tấn quốc gia Anh BBC bình chọn là Nhân vật thể thao của năm.
VnExpress