.

Cúm gia cầm - hiểm họa của loài người

Cùng với HIV/AIDS, SARS, cúm gia cầm đã trở thành hiểm họa của loài người trong thập niên gần đây. Bệnh nhân cúm gia cầm đầu tiên trên thế giới được phát hiện tại Hồng Kông vào năm 1997. Ở Việt Nam, trường hợp mắc cúm gia cầm đầu tiên được xác định vào tháng 12-2003. Mọi quốc gia, vùng miền đều bị đe dọa bởi hiểm họa cúm gia cầm...

Bệnh cúm gia cầm, còn gọi là bệnh cúm gà hoặc cúm A (Avian Influenza) xảy ra do nhiễm virus H5N1 từ gia cầm lây sang người. Virus H5N1 có khả năng lây lan nhanh chóng qua việc tiếp xúc trực tiếp với gà, phân gà mắc bệnh, các loài thủy cầm hoặc chim hoang dã. Người bị nhiễm virus cúm gà có thể lây sang cho người khác. Khi ra môi trường bên ngoài virus gây bệnh cúm gà có thể sống 4 ngày ở nhiệt độ 20 độ C, 4 tuần ở nhiệt độ 0 độ C và nếu cho đóng băng thì khả năng sống của virus là vô thời hạn.

Bệnh cúm gia cầm được xem như là hiểm họa của thế kỷ mà loài người phải đối mặt. Tính đến nay, trên toàn thế giới đã có hơn 55 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có dịch cúm gia cầm và các loài chim hoang dã bị chết do nhiễm virus H5N1. Hàng trăm bệnh nhân đã chết qua các đợt dịch, trước sự nỗ lực phòng chống dịch của các quốc gia và quốc tế.

Dịch xuất hiện đột ngột, lan truyền nhanh chóng trong một địa phương, nhưng cũng có thể mang tính bùng nổ, xuất hiện đồng thời ở nhiều vùng khác nhau. Thông thường, virus cúm có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người lành từ ngày đầu khởi bệnh cho đến khi khỏi bệnh, trung bình là 5-7 ngày. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp; các phương tiện giao thông như máy bay, tàu hỏa, tàu điện, tàu thủy, xe cộ góp phần cho dịch cúm lan nhanh và lan xa.

Các triệu chứng khởi đầu của bệnh cúm gia cầm giống hệt như các bệnh cúm khác như sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau họng, ho. Điều này rất dễ gây nên sự nhầm lẫn, tạo điều kiện cho bệnh lây lan trong giai đoạn đầu. Biến chứng viêm phổi do virus được xem như là biểu hiện điển hình của bệnh. Tiến triển của bệnh thường nhanh chóng và dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tích cực.

Trong vụ dịch, tất cả những ai có những biểu hiện kể trên đều phải nghi ngờ và cần đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán, theo dõi, cách ly và điều trị kịp thời.

Thuốc Tamiflu hiện đang được dùng phổ biến để điều trị người mắc bệnh cúm gà và để phòng bệnh cúm gà cho những người có nguy cơ. Tác dụng của thuốc là ức chế sự phát triển của virus H5N1, do vậy hạn chế các triệu chứng và giảm nguy cơ lây lan của bệnh. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ để tránh lạm dụng thuốc và tăng nguy cơ virus kháng thuốc.

Biện pháp phòng bệnh là tránh tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm gia cầm, vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống. Khi tiếp xúc với nguồn bệnh phải được trang bị đồ bảo hộ như áo choàng, mũ, kính, mặt nạ, găng tay... Tuyệt đối không ăn thịt các gia cầm chết vì dịch và không sử dụng thịt hoặc trứng gia cầm không rõ nguồn gốc. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nấu chín thịt gà và luộc chín trứng gà, trứng vịt trước khi sử dụng, mặc dù các chuyên gia cho rằng bệnh cúm gia cầm không lây qua đường ăn uống.

Việc bảo đảm vệ sinh môi trường cũng phải được tiến hành thường xuyên, bên cạnh biện pháp tẩy uế chuồng trại nuôi gia cầm bị dịch, phun thuốc Cloramin B ở môi trường chung quanh khu vực chuồng trại và nhà ở. Về lâu dài, việc chăn nuôi gia cầm cần có sự quy hoạch tập trung; chủng ngừa toàn bộ gia cầm được nuôi; nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phòng chống lại hiểm họa cúm gia cầm.

Ths.Bs. MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.