.

Dịch tiêu chảy cấp: Nguy cơ từ những món “khoái khẩu”

Gần nửa tháng nay, trong khi các Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đang tích cực tiến hành kiểm tra các bếp ăn tập thể, nhà hàng, thì các quán ăn vẫn nhộn nhịp người vào ra và trên bàn ăn vẫn đủ rau sống, rồi tiết canh, thịt chó, mắm tôm…

Dạo quanh một số khu chợ bán thức ăn chín, người mua, người bán tất bật, tay trần bốc gói thức ăn đưa mời thực khách. Nhiều món ăn chín được bày bán trên những chiếc mẹt đen sì, đầy ruồi, nhặng… Thậm chí tại chợ Hòa Khánh, người ngồi bán, ngồi ăn ngay cạnh bãi rác to đùng. Thực phẩm chế biến sẵn như giò chả, nem rán, chả nướng, lòng lợn, thịt lợn, gà, vịt quay… vẫn là sự lựa chọn khá phổ biến của người dân, công chức không có nhiều thời gian cho công việc nội trợ.

Chúng tôi ghé vào một quán cháo lòng trên con hẻm sau đường 2-9, mới hơn 7 giờ sáng, thực khách đã ngồi kín mấy cái bàn con con. Hỏi chị chủ quán: “Bữa nay mà còn phục vụ tiết canh hả chị? Chị không nghe người ta khuyến cáo rầm rộ trên báo, đài hay sao mà vẫn còn bán?” Chị chủ cười: “Nghe thì có nghe nhưng bữa nào khách cũng hỏi ăn tiết canh thì làm sao không bán? Nếu không có món này, khách sẽ bỏ sang quán khác liền”. Quả thực, theo chị chủ quán tiết canh Xuân, nằm trên hẻm đường Phan Thành Tài, mỗi ngày bán được trên 100 chén, mỗi chén 5.000 đồng, tính sơ sơ một ngày đã có trên 500.000 đồng nên các quán đâu dễ bỏ món tiết canh…

Hơn nửa tháng nay, ngư dân Nam Ô trúng mùa cá trích và cá de, mỗi thuyền sau một đêm cập bến thu nhập khoảng hơn 1 triệu đồng tiền bán cá. Cá trích, cá de là loại cá nhỏ, vụn, người dân Nam Ô thường có thói quen làm gỏi, mà gỏi cá vốn là đặc sản của đất Nam Ô từ lâu. Vì thế, với những người dân không có thuyền bè đi biển, họ mua cá của ngư dân để làm gỏi cá phục vụ cho các quán nhậu, nhà hàng. Cứ mỗi chiều, dân nhậu lại tìm đến các quán gỏi cá bình dân trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (khu vực gần chợ Nam Ô) để làm vài ba đĩa cùng mấy xị rượu. 7-8 giờ sáng, chúng tôi có mặt trên bến cá biển Nam Ô, nhiều ngư dân rũ lưới trên các thuyền thúng và thu nhặt loại cá trích nói trên rồi rửa sạch, cắt nhỏ ướp với giấm cho chín, khi ăn chỉ cần thêm các loại gia vị như rau thơm, đậu phụng, dầu mè, muối tiêu, vị tinh…

Mặc cho các nhà khoa học đã cảnh báo: Trong thời điểm dịch tả đang bùng phát ở các địa khác và nguy cơ nhiễm khuẩn tả từ các món ăn trên rất cao, nhưng mấy quán thịt cầy trên đường Phạm Văn Đồng, Trưng Nữ Vương, Trần Cao Vân, gần chợ Bắc Mỹ An… vẫn tiếp tục bán, và lượng khách đến ăn vào các buổi trưa không hề giảm. Trong thực đơn vẫn có bát mắm tôm được đánh nổi bọt trắng, rau sống bày chung quanh khá bắt mắt. Các thực khách ăn ngon miệng như không có chuyện gì xảy ra. Khi hỏi về dịch tiêu chảy cấp, các “thượng đế” trả lời rất vô tư: “Các ông cứ lo xa, dịch ở tận phía Bắc – phía Nam, chứ có ở đây đâu mà sợ!”.

Mặc dù cho đến nay, trên địa bàn thành phố chưa có dịch, song cần có sự vào cuộc tích cực hơn của tất cả các cấp, các ngành để người dân hiểu rõ nguồn gốc lây bệnh và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Hiện thành phố Đà Nẵng đã lập 4 đoàn kiểm tra các cơ sở chế biến và kinh doanh thức ăn trên địa bàn, thế nhưng cho đến ngày hôm nay, nhiều cơ sở bán thực phẩm không bảo đảm VSATTP vẫn chưa bị “sờ gáy”. Một cán bộ Chi cục QLTT đi trong đoàn nhận xét, “việc kiểm tra như thế này chỉ tuyên truyền, giáo dục ý thức của hộ kinh doanh là chính, chứ không thể nào rà soát hết toàn bộ các hàng quán trên mọi ngõ ngách của thành phố”. Rõ ràng, với lý do trên, nhiều điểm bán hàng ăn chưa đủ điều kiện vẫn mặc nhiên tồn tại. Điều đáng nói hơn, ở hầu hết các điểm bán hàng ăn không đủ điều kiện chủ yếu rơi vào những hàng quán nhỏ lẻ. Việc xử lý các trường hợp nêu trên đối với cơ quan chức năng quả là quá khó.

Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.