.

Sán lá gan lớn

Sán lá gan lớn gây bệnh ở người gồm 2 loài Fasciola hepatica và fasciola gigantica, thuộc họ Fasciolidae. Sán lá gan lớn trưởng thành có hình chiếc lá, thân dẹt và bờ mỏng, có kích thước 20 - 30 x 10 - 12mm, màu trắng hồng hoặc xám đỏ, miệng nhỏ 1mm.

Ở người, sán ký sinh trong đường mật, bất thường có thể ký sinh lạc chỗ như cơ bắp, dưới da, phúc mạc… Sán trưởng thành đẻ trứng theo đường mật, xuống ruột và ra ngoài theo phân. Trứng xuống nước nở ra ấu trùng lông; ấu trùng lông xâm nhập vào ốc Lymnae tiếp tục phát triển và phân chia vô tính thành ấu trùng đuôi và được giải phóng ra ngoài bám vào những cây cỏ ở trên mặt nước, trôi nổi trong nước. Khi người ăn sống rau mọc dưới nước hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán, ấu trùng sán vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan, gây tổn thương gan, đẻ trứng, phát triển trong đường mật; gây viêm đường mật, tắc mật, xơ hóa đường mật, có thể gây ung thư biểu mô đường mật nếu không được phát hiện điều trị.

Biểu hiện lâm sàng gồm: Toàn thân: Mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút, thiếu máu nhẹ, sốt thất thường hay sốt cao. Tiêu hóa: Đau bụng, đầy bụng, buồn nôn, chán ăn, ăn khó tiêu, xuất huyết tiêu hóa, gan to, vàng da… Triệu chứng khác: Ban dị ứng, đau khớp, đau cơ, ho, tràn dịch màng phổi, màng bụng, có thể tổn thương nơi sán ký sinh lạc chỗ: Khớp, vú, cơ… Cận lâm sàng: Test Elisa (+), tỷ lệ bạch cầu ái toan tăng >8% (có thể lên tới 80%). Siêu âm gan hoặc chụp cắt lớp vi tính cho thấy có tổn thương dạng sán lá gan lớn. Xét nghiệm dịch tá tràng hoặc phân tím thấy trứng sán lá gan lớn.

Điều trị đặc hiệu: Thuốc Triclabendazol (Egaten), viên 250mg, liều 10mg/kg/1 lần duy nhất, uống với nước đun sôi để nguội, sau ăn no. Nếu bệnh không giảm, cần điều trị Egaten lần 2 với liều 20mg/kg/ngày, uống chia 2 lần cách nhau 12 - 24 giờ.

Điều trị hỗ trợ: Kháng sinh phổ rộng chống bội nhiễm, hạ sốt, giảm đau… Chế độ ăn bảo đảm năng lượng 1.500 – 2.000 kcalo/ngày.

Theo dõi người bệnh: Sau 3 ngày uống thuốc, khám lại sau 3 tháng, 6 tháng.

Phòng chống bệnh sán lá gan lớn: Nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống của người dân, vì vậy phòng bệnh là hết sức quan trọng và cần thiết. Truyền thông giáo dục sức khỏe: Không ăn sống các loại rau mọc dưới nước như rau ngổ, rau cải xoong, rau đắng, rau răm, rau diếp cá. Không uống nước lã. Người nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BS. Ck1. NGUYỄN THỊ KIM CÚC

;
.
.
.
.
.