.

Vấn nạn thức ăn đường phố

Trong cơ chế thị trường, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, dịch vụ thức ăn đường phố đã bung ra ở mọi nơi, mọi chốn. Cũng như các nơi khác, thức ăn đường phố vẫn là vấn đề nan giải ở thành phố Đà Nẵng.
 
Hầu hết các quán ăn thiếu cơ sở hạ tầng, vệ sinh yếu kém, thiếu nơi xử lý chất thải, dụng cụ trang thiết bị tạm bợ, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm, người kinh doanh thiếu kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo thống kê từ 2000-2006 tại TP. Đà Nẵng số vụ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố là 6/25 vụ (chiếm 24%), số người bị ngộ độc là 114/378 người (chiếm 30,2%). Tỷ lệ ngộ độc thực phẩm do loại hình thức ăn đường phố ở Đà Nẵng cao gấp từ 2 về số vụ và đến 3 lần số mắc so với tỷ lệ chung của cả nước; các bệnh lây truyền qua thực phẩm như tả, lỵ trực khuẩn, lỵ amíp, thương hàn, tiêu chảy từ năm 2001-2005 có 27.991 người mắc (bình quân có 5.598 người mắc/năm) thì trong năm 2006 lên đến 7.209 người mắc (cao gấp 1,3 lần bình quân 2001-2005; tuy nhiên, số mắc trong năm 2007 được giảm xuống còn 0,87 lần.

Ở TP. Đà Nẵng hiện nay, những địa điểm bán thức ăn đường phố phần lớn là chật hẹp, không đủ nước sạch để sử dụng. Hiện tượng một, hai xô nước dùng để rửa bát đĩa, dụng cụ nhiều lần ở các quán ăn là phổ biến. Những hành vi thiếu vệ sinh thường gặp ở những người bán thức ăn đường phố là dùng tay để bốc bún, thức ăn, rau sống, dùng khăn bẩn lau chén đũa, thực phẩm ế thừa không được bảo quản lạnh. Nguy hại hơn, người bán thức ăn đường phố mua thực phẩm tươi sống không bảo đảm vệ sinh với giá rẻ để chế biến thức ăn. Người bán hàng rong không có địa điểm cố định thường thiếu nước sạch để rửa thực phẩm, có thể nhiễm bẩn hoặc giảm chất lượng đồ ăn thức uống và từ đó hình thành nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm cho người tiêu dùng. Trong tình hình tiêu chảy cấp nguy hiểm và các bệnh dịch khác trong cả nước có chiều hướng gia tăng thì điều quan trọng là mỗi chúng ta phải quý trọng sức khỏe của chính bản thân mình trước khi bước chân vào những quán hàng bụi bặm, nhếch nhác, thiếu vệ sinh.

Vệ sinh an toàn thực phẩm là nhằm bảo đảm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng; vì vậy, các cấp, ban, ngành cần phổ biến đến người kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện nghiêm Yêu cầu vệ sinh đối với thức ăn đường phố như sau:

Nguyên liệu tươi sống: Có nguồn gốc rõ ràng, đáng tin cậy, an toàn, không ô nhiễm khi bảo quản, vận chuyển.

Nước, nước đá: Nước dùng chế biến, làm đá phải là nước sạch. Nước dùng để uống trực tiếp phải là nước đun sôi.

Nơi chế biến: Khu vực chế biến, dụng cụ chế biến phải sạch, vệ sinh. Thực phẩm sống, chín phải được chế biến bằng dụng cụ riêng, rửa sạch, nấu chín. Không sử dụng phẩm màu, phụ gia, hóa chất độc hại trong chế biến.

Vận chuyển, bảo quản: Hạn chế vận chuyển xa, dụng cụ vận chuyển phải sạch, được che đậy kín, phải có tủ lạnh để bảo quản thức ăn.

Nơi bán hàng, dụng cụ nấu nướng: Có bàn, tủ kính, giá cao trên 60cm cách ly nguồn ô nhiễm (khu vệ sinh, cống rãnh…). Dụng cụ tiếp xúc thực phẩm phải sạch sẽ, rửa sạch thường xuyên. Sử dụng bao bì sạch, an toàn khi bao gói thực phẩm.

Người chế biến bán hàng:

- Rửa tay và giữ bàn tay sạch trong suốt quá trình chế biến, bán hàng.

- Sử dụng trang thiết bị chuyên dụng (quần áo, mũ, tạp dề, khẩu trang,…) khi bán hàng.

- Có bệnh truyền nhiễm không được bán hàng.

- Được tập huấn kiến thức về Vệ sinh an toàn thực phẩm

Bs. Thu Trâm

;
.
.
.
.
.