Hen phế quản (thường được gọi là hen hoặc suyễn) là một chứng bệnh rất hay gặp ở trẻ em lẫn người lớn. Số bệnh nhân trong cộng đồng thường chiếm từ 1 đến 3% dân số, 50% trong số đó là trẻ em dưới 10 tuổi.
Bệnh thường tái phát vào những lúc trở trời, nghĩa là vào các tháng trời trở lạnh, hoặc những ngày mưa gió thất thường.
Đặc tính của hầu hết mọi cơn hen là khởi phát đột ngột. Một số ít trường hợp có các triệu chứng báo hiệu như buồn nôn, nôn mửa hoặc sổ mũi, ngứa mũi, ngứa ngoài da. Điểm đặc biệt nhất của bệnh hen là chứng khò khè (còn gọi là cò cử). Đó là tiếng thở rít do đờm giãi nhiều và đặc, di chuyển trong phế quản nhỏ bị co thắt. Tiếng khò khè nghe rõ nhất là về đêm hoặc trong cơn ho. Đi kèm với khó thở kiểu khò khè là người bệnh thường tỏ ra lo lắng, bồn chồn, ho khan hoặc ho có đờm đặc dính. Khi bệnh nặng, có thể lên cơn ho khó thở nguy kịch, phải cấp cứu ngay.
Đối với trẻ em, cách tốt nhất để khỏi bị khò khè diễn ra nhiều lần là chặn đứng quá trình phát triển của bệnh còi xương bằng cách tắm nắng cho trẻ; vào những đợt mùa lạnh kéo dài, nên bổ sung canxi và vitamin D bằng một chế độ ăn có đầy đủ trứng, sữa, thịt, gan, tôm, cua… và dùng các thuốc có canxi và vitamin D. Người mẹ cũng cần biết cách phòng hen tái phát cho trẻ với các biện pháp sau:
1- Đừng cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị cảm sốt.
2- Kiêng thịt gà, cá ngừ, mực… là những thức ăn dễ gây dị ứng.
3- Tuyệt đối tránh khói, bụi, phấn hoa, chăn len và hơi lạnh đột ngột.
4- Mùa lạnh lưu ý giữ ấm cho trẻ, tránh ngọn gió lùa. Mùa nóng không nên lạm dụng quạt máy và máy lạnh, vì chúng làm giảm sức đề kháng của đường hô hấp trên.
Đối với người lớn bị chứng hen, ngoài những điều nêu trên, không nên hút thuốc lá. Nếu có triệu chứng của bệnh về mũi họng thì nên đi khám để điều trị kịp thời.
Đối với người già, không nên ngủ riêng vì bệnh hay diễn ra ban đêm trong giấc ngủ, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
BS. PHAN THÀNH