Mỗi đời người trung bình sẽ ăn hết 12,5 tấn gạo, ngũ cốc, 30 tấn thịt, cá, trứng, đường, sữa, rau, củ, quả… và uống 65 tấn nước! Điều gì sẽ xảy ra với chúng ta nếu mỗi loại thực phẩm ăn vào lại chứa một số chất độc hại?
Rửa kỹ, nấu chín cũng… “không thoát”!
Người bán chặt thịt ngay dưới sàn chợ nhầy nhụa. |
Nếu thực phẩm đã nhiễm chất độc từ khâu nuôi, trồng, chế biến ban đầu thì người tiêu dùng trong quá trình nấu nướng dù có ngâm ozôn, nước muối, rửa kỹ… cũng chỉ đem lại sự yên tâm về mặt tâm lý. Đó là ý kiến của bác sĩ Trần Văn Nhật, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thành phố Đà Nẵng.
Có thể nói, thực phẩm “sạch” hay “không sạch” đang nằm trong tình trạng thật giả lẫn lộn. Thực phẩm không sạch là sử dụng formaldehyde (một hóa chất có thể gây ung thư); hàn the trong giò chả, bánh phở; urê trong bảo quản thủy sản; chất tẩy trắng trong bún, giá đỗ; chất tạo bọt trong cà-phê; rau, củ, quả chứa dư lượng hóa chất trừ sâu, chất bảo vệ thực vật hoặc sử dụng trực tiếp chất kích thích tăng trưởng (2,4 D)… .
Việc lạm dụng hóa chất, phụ gia trong chế biến thực phẩm, việc người chăn nuôi, trồng trọt chạy theo lợi nhuận sử dụng chất kích thích tăng trưởng ngày một tinh vi hơn, khiến người dân lúng túng, đôi khi bế tắc trước sự lựa chọn thực phẩm sạch. Vì sao một số nhà nông chỉ ăn luống rau “trông có vẻ xấu xấu” này mà nhất định không ăn luống rau “xanh mướt” bên cạnh? Vì sao lại có loại “rau ăn” và “rau bán”? Hẳn hơn ai hết, người trực tiếp trồng và chăm bón hiểu rõ nguy cơ độc hại như thế nào. Chỉ có người tiêu dùng là “lãnh đủ”.
Nguy hại từ thực phẩm nhiễm chất độc tích lũy
Sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ngộ độc cấp tính (chủ yếu do nhiễm vi sinh vật) dẫn đến tình trạng chóng mặt, nôn, trụy mạch, hoặc tử vong sau vài giờ. Tuy nhiên, đó là những biểu hiện dễ nhận thấy. Trong khi đó, nguy cơ nhiễm độc không thể hiện ra bên ngoài tức thì, dễ khiến nhiều người chủ quan. Theo bác sĩ Trần Văn Nhật, kiểu ngộ độc không báo trước này vô cùng nguy hiểm. Các chất trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng không thể được rửa trôi trong quá trình chế biến sẽ xâm nhập vào gan, thận, tụy, bộ phận bài tiết gây nên các bệnh mãn tính về tiêu hóa, viêm ruột, viêm dây thần kinh, đau xương, khớp; thậm chí dẫn đến ung thư, ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi.
Thông qua nhiều phương tiện truyền thông, người dân có thể nắm bắt thêm nhiều thông tin về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, biết vậy nhưng không thể tránh được là tâm lý chung của nhiều người. Một người dân nói: “Giá như các cơ quan chức năng minh bạch hơn trong việc kiểm duyệt thực phẩm, có niêm yết rõ ràng, bảo đảm độ tin cậy để người dân yên tâm, sẽ phần nào hạn chế những cách làm “lóe” mắt người tiêu dùng của nhà sản xuất như hiện nay”.
Hiểu như thế nào là “thông thái”
“Hãy là người tiêu dùng thông thái”, lời khuyến cáo này mỗi ngày được nhắc nhiều hơn trước thị trường thực phẩm không an toàn. Nhưng hiểu thế nào là thông thái, khi người tiêu dùng chạm vào loại thực phẩm nào cũng dễ bị cái cảm giác “nghi nghi ngờ ngờ”.
Với mô hình sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay, việc kiểm soát thực phẩm từ trang trại xem ra còn nhiều cái khó. Vì vậy, theo tư vấn của những người có trách nhiệm về VSATTP thành phố, người dân cần thể hiện sự thông thái trong khâu chọn lựa cuối cùng. Nếu là thực phẩm không nhãn mác như rau, thịt, khi mua nên trao đổi với người bán về nguồn gốc thực phẩm đó, không nên thấy rổ thịt ngay cống rãnh nhưng vẫn mua vì tiện đường.
Phải biết phân biệt đâu là thịt tươi, cá tươi. Với sản phẩm có nhãn hiệu, cần nhìn rõ những tiêu chí trên bao bì. Mua được giá rẻ không hẳn là thông thái, mà phải có kiến thức lẫn trách nhiệm trước đồng tiền bỏ ra để lựa chọn thực phẩm.
Bài và ảnh: THU HOA