.
BỆNH VIỆN ĐÀ NẴNG

Gian nan bài toán quá tải

.

Ai đó lần đầu ghé thăm Bệnh viện Đà Nẵng sẽ cảm thấy nơi đây quá ồn ào và đông đúc, bởi ở đâu cũng thấy bệnh nhân và người nhà chờ chực ngay từ cổng. Với biên chế 850 giường bệnh, nhưng phải gồng mình gánh từ 1.400 đến 1.600 bệnh nhân nội trú khiến cho tình trạng quá tải của bệnh viện ngày càng cao. Hơn 5 năm trở lại đây, tình trạng quá tải tại Bệnh viện Đà Nẵng năm sau luôn cao hơn năm trước từ 10 đến 15%.

Quá tải “phi mã”

Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm và những bệnh nhân tại Khoa Hồi sức cấp cứu.

Từ năm 2003, tình trạng bệnh nhân nằm giường đôi đã xuất hiện tại một số khoa phòng của Bệnh viện Đà Nẵng, công suất giường bệnh đạt 144%; đến năm 2007 thì quá tải giường bệnh tại bệnh viện này tăng lên 172%. Đến nay, số lần khám bệnh cũng tăng gần gấp 3 lần trong vòng 4 năm qua và tình trạng quá tải xảy ra ở hầu hết các khoa phòng điều trị, trong đó Khoa Ung bướu chịu nhiều áp lực nhất với con số thống kê 347%.

Tiếp theo là các Khoa Hô hấp, Tai mũi họng, Ngoại bỏng và Nội tim mạch cũng chiếm tỷ lệ trên 200%. Để có thể tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nặng, tại một số khoa đã tận dụng diện tích kê thêm giường bệnh, nhưng số lượng bệnh nhân vẫn  luôn tăng càng đẩy tình trạng quá tải trở nên “phi mã”.

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu chỉ có 20 giường bệnh nhưng lại thực kê đến trên 40 giường. Theo bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, phụ trách khoa cho biết, bệnh nhân đông do đến từ nhiều tỉnh, thành và hầu hết là bệnh nhân nặng nên cần sự hỗ trợ tối đa của máy móc trong chẩn đoán, điều trị nhưng hiện nay vẫn còn thiếu rất nhiều. Với số lượng bệnh nhân luôn gấp đôi chỉ tiêu giường bệnh nên đội ngũ điều dưỡng với 25 người tại khoa này phải làm việc cường độ rất cao.

Cũng giống như Khoa Hồi sức cấp cứu, Phòng Nhi tiêu hóa thuộc Khoa Nhi - Bệnh viện Đà Nẵng từ hai năm trở lại đây đã bắt đầu chật chội bởi lượng bệnh nhân nhi và người nhà nằm chen chúc. Một giường bệnh nhưng có từ 2 đến 3 bệnh nhân.

Giải pháp khả thi nhất là…hãy chờ!

Bệnh nhân luôn quá tải tại Khoa Hồi sức cấp cứu.

Lý giải cho sự quá tải của bệnh viện, bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, tân Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trong vòng 3 năm trở lại đây, bệnh viện đã được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ nhân lực nên người dân thành phố và các tỉnh khu vực miền Trung chọn Bệnh viện Đà Nẵng để khám, điều trị bệnh ngày càng đông. Để giải quyết tình trạng quá tải, trong năm 2007 và đầu năm 2008, bệnh viện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cơ sở điều trị, tăng giường bệnh thực kê.

Bệnh cạnh đó, bệnh viện mở thêm các khu điều trị dịch vụ dành cho người bệnh có đủ điều kiện kinh tế, thành lập “bệnh viện ban ngày” để giải quyết nhanh những bệnh lý nhẹ; tăng cường các trang thiết bị xét nghiệm để cho kết quả nhanh chóng, đồng thời triển khai các kỹ thuật cao, rút ngắn thời gian điều trị như phẫu thuật vi phẫu, nội soi. Để giảm quá tải từ xa, bệnh viện đã liên kết với Bệnh viện đa khoa bắc Quảng Nam đầu tư máy móc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân của 5 huyện phía bắc tỉnh Quảng Nam.

Tuy vậy, đây chỉ là những giải pháp được đánh giá mang tính tình thế và tạm thời. Cái gốc của vấn đề quá tải hiện nay của Bệnh viện Đà Nẵng là do năng lực khám chữa bệnh và thu hút bệnh nhân của các bệnh viện đa khoa tuyến dưới vẫn còn quá yếu. Do vậy, người bệnh chỉ tin tưởng vào những nơi có chất lượng điều trị cao và hiệu quả. Ngành Y tế thành phố đang tìm giải pháp để “kéo” bệnh nhân về tuyến quận, huyện.

Theo Quyết định số 93/2006/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố về việc quy hoạch và điều chỉnh mạng lưới y tế thành phố giai đoạn 2001-2010 thì trong những năm tới, các Bệnh viện đa khoa Liên Chiểu, khu vực Cẩm Lệ sẽ được nâng chỉ tiêu giường bệnh từ 30 đến 50 giường. Trong khi đó, các Bệnh viện Phụ nữ, Ung bướu và Bệnh viện đa khoa 600 giường với tổng số hơn 1.000 giường bệnh đang trong quá trình xây dựng nên chưa thể giải quyết bài toán quá tải cho Bệnh viện Đà Nẵng hiện nay. Làm thế nào để ngăn “nước chảy về chỗ trũng” trong khám và điều trị là bài toán mà ngành Y tế thành phố phải giải quyết sớm.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.