.
Các điểm bán hàng ăn, uống tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng

Nguy cơ lây bệnh tiêu chảy cấp

.

Trong thời điểm dịch tiêu chảy cấp đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng như hiện nay  thì tình trạng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các ki-ốt trong Bến xe Trung tâm Đà Nẵng đang là mối lo cho những người dân nơi đây.

Nhận cam kết nhưng không chịu ký

Tất cả các hàng quán trong bến xe Trung tâm Đà Nẵng đều chưa có giấy đủ điều kiện VSATTP.


Qua thống kê, hằng ngày có hơn 500 lượt xe ô-tô, trong đó có hơn 60 đầu xe từ phía Bắc lưu thông qua Bến xe Trung tâm Đà Nẵng. Số lượng người ra vào bến ước tính hơn 1.000 người mỗi ngày. Ngay trong bến xe có hơn 20 ki-ốt do tư nhân thuê mặt bằng để bán thức ăn cho hành khách và cán bộ, nhân viên của bến xe. Điều đáng nói, những ki-ốt này hoạt động từ năm 2007 đến nay nhưng chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP của ngành Y tế dành cho nhóm thức ăn đường phố. Đã không bảo đảm được chất lượng VSATTP, các ki-ốt trên còn kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau. 

Cụ thể như tại ki-ốt số 16 có tên Hạ Vàng do bà Cao Thị Ngọc Giàu và ông Trần Văn Hạ cùng thuê, buổi sáng bán bún, buổi chiều bán bia tươi và các món nhậu bình dân. Ngay tại ki-ốt này, chúng tôi chứng kiến cảnh rác thải và thức ăn thừa vứt bừa bộn ngay dưới các bàn ăn mà không thấy sọt rác nào bố trí để bỏ thức ăn và giấy vụn. Khi được hỏi về việc tập huấn bảo đảm VSATTP thì bà Giàu đưa ra một bản cam kết thực hiện VSATTP theo Nghị định 45/CP có đủ chữ ký của cán bộ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ và cán bộ y tế, nhưng tờ cam kết này đã không có tên đăng ký và chữ ký của chủ cơ sở kinh doanh ăn uống.

Ông Hoàng Hữu Hà, Trưởng Ban Quản lý Bến xe Trung tâm Đà Nẵng cho biết, sở dĩ tất cả các ki-ốt trong bến xe chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm VSATTP là do Phòng Y tế quận Cẩm Lệ chưa tổ chức tập huấn và trong quá trình hoạt động hơn 1 năm, đơn vị này chỉ tiến hành kiểm tra đúng 1 lần.

Cần có cán bộ y tế chuyên trách

Với diện tích hơn 58 ngàn mét vuông, lượng người ra vào bến hằng ngày trung bình hơn một ngàn người, cao điểm có thể lên đến 1.500 người, nhưng Bến xe Trung tâm Đà Nẵng hiện chỉ có 5 nhà vệ sinh dành cho hành khách và 1 nhà vệ sinh dành cho cán bộ, nhân viên của bến xe. Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra Sở Y tế thành phố về công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp thì số lượng nhà vệ sinh không thiếu, nhưng phải đặc biệt lưu ý vấn đề giữ vệ sinh của hành khách, nhất là những hành khách đến từ các vùng có dịch.

Bởi nguy cơ lây lan dịch tiêu chảy cấp tại các nhà vệ sinh công cộng rất cao. Mặc dù trong các đợt triển khai phòng chống dịch bệnh, Ban Quản lý bến xe đã có văn bản yêu cầu tất cả các đơn vị kinh doanh thức ăn trong bến nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của ngành Y tế về bảo đảm VSATTP, nhưng trên thực tế hoạt động giám sát vẫn chưa thường xuyên và triệt để.

Trước những nguy cơ lây lan dịch bệnh tiêu chảy cấp từ các tỉnh, thành ở phía Bắc, trong tháng 4-2008, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã tổ chức hai đợt phun hóa chất xử lý môi trường tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng. Ông Hoàng Hữu Hà cho biết, về cơ bản vấn đề phòng chống lây lan dịch bệnh tại bến xe đã được cán bộ, công nhân viên của bến thực hiện nghiêm chỉnh do ý thức được đặc thù là đầu mối giao thông lớn của miền Trung. Tuy vậy, sự thiếu bảo đảm VSATTP ngay tại các cơ sở ăn uống trong bến xe rất dễ dẫn đến nguy cơ dịch tiêu chảy cấp xuất hiện ở đây.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Trần Văn Nhật cho biết, hiện nay Bến xe Trung tâm Đà Nẵng cần thiết phải bố trí cán bộ chuyên trách về y tế để có thể xử lý các tình huống khẩn cấp không chỉ riêng bệnh tiêu chảy cấp mà các dịch bệnh xảy ra trong bến xe. Đây là một trong những việc cần làm của  Ban Quản lý Bến xe Trung tâm Đà Nẵng hiện nay để tránh những dịch bệnh có thể lây lan từ nơi đây.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.