Đó là lời khuyên của các bác sĩ làm việc tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng dành cho những người thích đi tắm biển. Thường thì thời tiết nóng khiến cho nhiều người muốn “giải khát” bằng bia, rượu trước khi ngâm mình xuống nước biển. “Nhậu” quá chén chính là một trong những nguyên nhân gây ra các tai nạn nguy hiểm.
Hãy cảnh giác khi tắm biển. (Ảnh minh họa) |
Theo bác sĩ Hà Châu Thanh, Trưởng khoa cấp cứu cho biết, khi uống rượu rồi xuống tắm sẽ khiến cơ thể chậm chạp do sức đề kháng yếu, nếu gặp những đợt sóng lớn có cường độ va đập mạnh sẽ làm cơ thể bị cứng cơ tay và cơ chân, rất dễ dẫn đến tai nạn. Đối với những trường hợp này, khi cấp cứu cũng sẽ rất khó khăn để bệnh nhân hồi phục so với người không uống rượu. Qua thống kê, trong những tháng hè, Khoa cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng thường tiếp nhận hàng trăm trường hợp tai nạn biển và sông, trong đó nhiều nạn nhân trong tình trạng say rượu sướt mướt.
Trước đây, theo quy định của Sở Du lịch thành phố, để bảo đảm an toàn cho những người đi tắm, sau 18 giờ hằng ngày, lực lượng cứu hộ sẽ tiến hành thổi còi báo hết giờ tắm. Hiện nay, thời tiết đang nóng dần, lượng người đi tắm biển cũng sẽ rất đông, khiến không ít người chủ quan muốn bơi trong các khu vực ít người tắm nhưng đó lại là những vùng xoáy nguy hiểm cần cảnh giác.
Nhiều người khác lại thích đi tắm vào ban đêm nên cũng gây khó khăn trong công tác cứu hộ khi xảy ra tai nạn. Anh Dương Dõng, Tổ trưởng Tổ cứu hộ bãi biển T18 bức xúc: “Chúng tôi cũng đã nhắc nhở nhiều lần nhưng có người chấp hành, có người không. Nhiệm vụ của chúng tôi là giám sát trên bờ và cứu nạn chứ không thể bơi theo những người đi tắm biển được”. Đó không chỉ là tâm sự của riêng anh Dõng mà là nỗi niềm chung của những người làm nhiệm vụ cứu hộ bãi biển.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG