.

Phòng chống bệnh tay-chân-miệng

.

Hiện nay, bệnh tay-chân-miệng xuất hiện rải rác ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Bệnh lây lan chủ yếu ở trẻ em qua tiếp xúc, ăn uống tại nhà trẻ, trường mẫu giáo không bảo đảm vệ sinh.

Dấu hiệu bệnh tay–chân–miệng. (ảnh minh họa)


Bệnh tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ hoặc qua đường phân-miệng. Khả năng lây truyền cao nhất trong vòng 1 tuần đầu kể từ khi mắc bệnh, tuy nhiên virus vẫn được đào thải qua phân nhiều tuần sau đó. Người ta tìm thấy virus tồn tại trong nước, đất, rau.
 
Người mắc bệnh do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virus. Đây là bệnh nguy hiểm vì có thể diễn tiến rất nhanh với các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê, co giật dẫn đến tử vong trong vòng 48 giờ.

Tình hình bệnh tay-chân-miệng trên thế giới hiện đang diễn biến phức tạp tại Đài Loan, Singapore, Malaysia... và đặc biệt tại Trung Quốc, từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.500 người mắc, trong đó có 20 ca tử vong. Theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), “Virus Enterovirus 71 (EV71) gây bệnh tay-chân-miệng đang hoành hành ở Trung Quốc, làm chết nhiều trẻ em đang xuất hiện trở lại ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh”.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, kết quả giám sát từ đầu năm 2008 đến nay, số ca mắc bệnh tay-chân-miệng đến điều trị tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Số ca nghi mắc bệnh tay-chân-miệng trên toàn thành phố được ghi nhận đến ngày 20-5 là 62 ca, tất cả các ca mắc đều tập trung vào đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi. Đây là lứa tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo, hiện chưa có ca nào bị biến chứng nặng hay tử vong.

Cách phát hiện trẻ bị bệnh tay-chân-miệng. Các chuyên gia của Bộ Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đề phòng và phát hiện sớm bệnh tay-chân-miệng, đặc biệt là ở các cháu dưới 3 tuổi. Để phát hiện sớm bệnh tay-chân-miệng, phụ huynh cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa khám ngay khi thấy có một trong những biểu hiện sau đây: Có một hoặc vài bóng nước hoặc mụn đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, cùi chỏ, đầu gối hoặc loét họng (thường biểu hiện bằng khó ăn, khó uống và chảy nước miếng nhiều).

Tránh trường hợp nhầm lẫn giữa bệnh tay-chân-miệng và bệnh thủy đậu hay bệnh loét miệng, dẫn đến tình trạng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế muộn vì triệu chứng ban đầu có thể gần giống nhau.

Các biện pháp phòng chống bệnh tay-chân-miệng

Nguyên tắc phòng bệnh:

- Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu.

- Áp dụng các biện pháp phòng bệnh đối với bệnh lây qua đường tiêu hóa, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.

Phòng bệnh tại các cơ sở y tế:

- Cách ly theo nhóm bệnh.

- Nhân viên y tế: Mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc.

- Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%.

- Xử lý chất thải theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa.

Phòng bệnh ở cộng đồng:

- Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).

- Rửa sạch đồ chơi, vật dụng,
sàn nhà.

- Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2%.

- Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học trong tuần đầu tiên của bệnh.

Nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ, vấn đề phòng chống loại bệnh nguy hiểm này là hết sức cần thiết, đối với các bậc phụ huynh cũng như các giáo viên mẫu giáo và người nuôi giữ trẻ.
                        
Bs TÚ UYÊN (Trung tâm Truyền thông GDSK Tp. Đà Nẵng)
                    
                       

;
.
.
.
.
.