.

Bệnh viện Đà Nẵng đầu tư lớn cho điều trị bệnh tim mạch

.

Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Trần Ngọc Thạnh cho biết,  trong thời gian gần đây Bệnh viện Đà Nẵng đã trang bị được hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ bệnh nhân. Với 194 bác sĩ chuyên khoa 1 và 26 bác sĩ chuyên khoa 2, hiện nay Bệnh viện Đà Nẵng có thể điều trị được các căn bệnh một thời “bó tay” như chấn thương sọ não, bệnh về cột sống… và điển hình nhất là bệnh tim mạch.

Một ca mổ tim tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Khoa Tim mạch của Bệnh viện Đà Nẵng thành lập từ năm 2002, nhưng mãi đến năm 2007 mới hoạt động có hiệu quả, có thể thực hiện được các ca mổ khó nhờ trang bị thiết bị y tế hiện đại như máy chụp cắt lớp vi tính trị giá gần 16 tỷ đồng, máy chụp mạch máu xóa nền kỹ thuật số trị giá 1 triệu USD… Ngày 14-9-2006, Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca mổ tim hở cho trẻ em bị bệnh bẩm sinh, đánh dấu bước ngoặt đầu tiên trong tiến bộ kỹ thuật điều trị bệnh tim.
 
Trường hợp bệnh nhân Phạm Thị Thuận (55 tuổi, trú tại Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cắt bỏ khối u nhầy ở tâm nhĩ trái đã khẳng định “tay nghề” đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện. Bệnh nhân Phạm Thị Thuận nhập viện trong tình trạng tức ngực và thường xuyên bị ngất xỉu. Qua chẩn đoán, xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện tim bệnh nhân có khối u nhầy.

Trước nguy cơ bệnh nhân có thể tử vong, các bác sĩ quyết định cắt bỏ khối u này bằng phương pháp phẫu thuật tim hở, nhờ vậy bệnh nhân đã được cứu sống. Ngày 25-5-2007, bệnh nhân Trần Thị Chiêm (73 tuổi, trú tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng) khi nhập viện được chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim, tắc động mạch vành cấp tính, cùng căn bệnh đái tháo đường, đã được điều trị khỏi bệnh trước sự tận tâm, nhiệt tình của đội ngũ y, bác sĩ.

Tính đến nay, Bệnh viện Đà Nẵng đã can thiệp trên 300 ca về bệnh tim và tiến hành mổ, phẫu thuật thành công trên 200 ca về bệnh tim mạch. Để đạt được thành quả như ngày hôm nay, ông Trần Ngọc Thạnh cho biết thêm, việc hình thành khoa Tim mạch  có sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương, sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật của Viện Tim mạch quốc gia, Viện Tim mạch thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Việt Đức, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước đã giúp đỡ đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn, chuyển giao khoa học và công nghệ về chữa trị bệnh tim tiên tiến nhất.
 
Quỹ từ thiện “Trái tim vì trái tim” của bệnh viện đến nay đã quyên góp được trên 10 tỷ đồng (kể cả trang thiết bị), đủ chi phí cứu chữa cho trên 200 bệnh nhân tim mạch. Nhờ quỹ này, không ít bệnh nhân vùng quê nghèo như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... đến Bệnh viện Đà Nẵng được điều trị miễn phí, thoát khỏi bàn tay tử thần. Uy tín về điều trị bệnh tim ngày càng bay xa.

Trong năm 2008, Hội Trẻ em Việt Nam cam kết với bệnh viện hỗ trợ 5 tỷ đồng để mổ cho 100 trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh. UBND thành phố Đà Nẵng vừa cấp 6 tỷ đồng cho bệnh viện phục vụ mổ tim hở. Được biết sắp tới, tổ chức “Trái tim vì trái tim” của Đức tiếp tục hỗ trợ thêm cho bệnh viện một số trang thiết bị y tế trị giá khoảng 4,5 tỷ đồng.
 
Với trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ tận tâm với người bệnh, yêu nghề, Bệnh viện Đà Nẵng cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh tim mạch, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện tim mạch ở Hà Nội và thành phố Hồ Chi Minh.

Bài và ảnh: MINH TUẤN

;
.
.
.
.
.