.

Đậu nành-thực phẩm, vị thuốc

.

Đậu nành là loại thực phẩm có nhiều dinh dưỡng, rất thông dụng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Á. Nói đến đậu nành, nhà nghiên cứu Ethan Balk (Trung tâm Nghiên cứu New England medical) đã cho thấy đậu nành có tác dụng giúp làm giảm cholesterol LDL “xấu” trong máu. Được biết, cứ 1% cholesterol “xấu” giảm đi thì các dạng nguy cơ về tim mạch cũng giảm theo 1%.


Ngoài việc chế biến để làm đậu phụ và các món ăn chay, thông thường đậu nành được chế biến dưới dạng sữa. Hàm lượng protein trong sữa đậu nành khá cao và có 8 loại axit amin cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt, trong sữa đậu nành còn có nhiều axit béo không hòa tan, vitamin B1 có tác dụng làm cho da mặt hồng hào, ít bị nhăn.
 
Đông y cho rằng, sữa đậu nành còn có tác dụng thanh nhiệt, hạ khí, nhuận trường… Không chỉ là loại thực phẩm, đậu nành còn có tác dụng phòng ngừa nhiều bệnh như ngăn ngừa ung thư vú, dạ dày, tuyến tiền liệt ở nam giới. Theo các nhà khoa học Nhật Bản thì việc thường xuyên ăn đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành có thể giúp làm chậm quá trình ung thư tuyến tiền liệt. Nguyên nhân là dohormone estrogen dưới dạng hợp chất isoflavone có trong đậu nành có thể làm chậm quá trình phát triển của các tế bào ác tính khi khối u ở tuyến tiền liệt còn nhỏ.

Với phụ nữ, đậu nành chế biến dưới dạng sữa rất tốt cho những ai không uống được sữa bò, do không tiêu hóa được đường lactoza, bị dị ứng… Được biết, phụ nữ trong thời mãn kinh, do chức năng của buồng trứng suy giảm, estrogen trong cơ thể không đủ, làm cho sự trao đổi chất của các chất béo và cholesterol rối loạn.

Mỡ vàcholesterol trong máu sẽ tăng cao dễ mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch… Do đó, đậu nành còn được coi là “cứu tinh” bổ sung thêm estrogen bởi trong đậu nành có chứa chất giảm hàm lượng cholesterol, mật độ protein lipid, bảo vệ được tim mạch, giúp cho da đàn hồi tốt, hạn chế tình trạng loãng xương, đái tháo đường…

Ngoài ra, từ công trình nghiên cứu, theo dõi 25 nghìn phụ nữ trong độ tuổi từ 40 - 69 trên cả nước Nhật trong hơn 10 năm và ghi nhận số lượng đậu nành họ đã tiêu thụ, các nhà nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Ung thư Tokyo (Nhật) đã khẳng định những phụ nữ có hàm lượng genistein cao (một chất isoflavone có trong đậu nành) thường ít bị ung thư vú hơn (thấp hơn 3 lần) so với những phụ nữ có hàm lượng genistein thấp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo cho phụ  nữ là không nên lạm dụng quá nhiều sản phẩm chế biến từ đậu nành, một khi thừa genestein lại có tác dụng ngược lại (tăng nguy cơ ung thư vú).

Tuy bổ dưỡng nhưng sữa đậu nành cũng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe nếu chúng ta ăn uống không đúng cách. Điều nên lưu ý là không nên pha sữa đậu nành với đường đỏ (do một số axit trong đường đỏ kết hợp với protein trong sữa sinh ra những chất khó hấp thụ). Giá trị dinh dưỡng của sữa đậu nành sẽ giảm đi khi uống sữa với trứng gà, chất albumin trong lòng trắng trứng kết hợp với tripxin có trong sữa sẽ sinh ra chất khó tiêu cho người uống.     

L.T

;
.
.
.
.
.