.

Trẻ em chết đuối và cách cấp cứu

.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ em chết đuối ở nước ta rất cao (22,6%), trong đó độ tuổi dưới 15 chiếm 70%. Theo UNICEF, hằng năm ở Việt Nam có khoảng 12.600 trẻ em chết đuối và trung bình hằng ngày có khoảng 35 em chết đuối.

So với các nước phát triển, tỷ suất chết đuối của nước ta cao gấp 10 lần. Đặc biệt, số trẻ em chết đuối thường gia tăng vào dịp hè là lúc học sinh nghỉ học, có nhiều thời gian rảnh rỗi.
 

Hãy để những ngày hè của trẻ em bổ ích và đầy ý nghĩa.  (Ảnh minh họa)


Trẻ em, thanh-thiếu niên, học sinh thường hiếu động, mải chơi và chưa có nhận thức về mức độ nguy hiểm của việc chơi đùa tại các vùng nước sâu; đồng thời, do thiếu sự quan tâm, nới lỏng trong quản lý của gia đình dẫn đến các em thường tự tổ chức đi chơi, tắm ở thác nước, tắm sông suối hoặc tắm biển không có người lớn đi cùng…

Tình trạng trên đã gây ra hàng loạt vụ chết đuối thương tâm vừa qua. Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã đưa ra một số khuyến cáo để các bậc phụ huynh phòng tránh chết đuối cho con em mình như: không cho trẻ đi tắm, bơi ngoài sông, suối, biển mà không có người lớn biết bơi đi kèm; nên rào quanh ao, hố nước, hố sâu, hố vôi đang tôi để tránh các em chơi đùa bị ngã, rơi xuống hố; ở vùng sông nước cần làm cửa chắn và rào quanh nhà; nên cho người lớn đưa trẻ đi học trong mùa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông; mặc áo phao cho trẻ khi đi thuyền; nên tập bơi cho trẻ…

Chết đuối có thể gây co thắt thanh quản, gây ngạt thở bởi một ít nước tràn vào đường hô hấp, hoặc do nước tràn vào làm ngập phổi, làm giảm sức đàn hồi của phổi gây xẹp phổi, hoặc do phù phổi vì tăng tính them thành mạch và kết hợp với trụy tim mạch. Cuối cùng bệnh nhân sẽ ngừng tuần hoàn, ngạt thiếu ô-xy não, dẫn đến chết não trong vòng 5 phút. Vì vậy, cần có những biện pháp xử trí nhanh, kịp thời ngay tại chỗ là rất cần thiết và quan trọng hàng đầu (bệnh nhân sống hay chết là ở đây, vì thời gian cấp cứu rất ngắn, nếu vận chuyển bệnh nhân đến Trung tâm y tế thường đến muộn), sau đó kết hợp với sự giúp đỡ của trung tâm y tế nơi gần nhất.
 
Một số biện pháp cấp cứu chết đuối tại chỗ cho người bị nạn: Đầu tiên, phải nhanh chóng cứu vớt nạn nhân ra khỏi nước (dùng sào, phao, người cứu hộ). Tìm cách đưa mặt người bị nạn nhô khỏi mặt nước; móc họng làm giảm tắc đường hô hấp, tốt nhất để bệnh nhân trên một tấm ván vừa bơi vừa làm hô hấp nhân tạo. Thứ hai, khi đưa người bị nạn lên bờ thì thực hiện các động tác sau đây: đặt bệnh nhân nằm ngửa trên nền cứng, cởi quần áo, lau mình, quấn vải khô, ủ ấm nạn nhân và thực hiện 3 động tác (ABC): (1) Giải phóng đường thở (Airway): ngửa nhẹ đầu, đẩy xương hàm dưới ra trước, nâng cằm bệnh nhân lên và móc họng lấy hết đờm dãi và dị vật nếu có. (2) Thông khí (Breathing): Thổi miệng-miệng hoặc miệng-mũi, thổi chậm trong 1,5-2 giây, sau đó chờ 3-4 giây cho không khí thoát ra hoàn toàn trước khi thổi tiếp để tránh hơi vào làm căng dạ dày, trong khi thổi tạm ngừng ép tim ngoài lồng ngực.

(3) Tuần hoàn (Circulation): ép tim ngoài lồng ngực với một số tần số nhanh 80-100 lần/phút và sự tương quan giữa ép và giãn là 50%. Điểm ép được xác định là 1/3 dưới chính giữa xương ức, lực ép phải đủ mạnh làm xương ức lún xuống lý tưởng là 3-5cm. Nếu chỉ có một người thực hiện việc cấp cứu hồi sinh thì nên thực hiện 15 lần ép tim rồi dừng lại thổi chậm 2-3 lần. Còn khi có hai người thì cứ 5 lần ép tim 1 lần thổi ngạt. Thứ ba, kêu gọi những người chung quanh tham gia cấp cứu, gọi sự hỗ trợ của các trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu chuyên khoa kịp thời.

Đà Nẵng có nhiều bãi biển sạch đẹp là nơi hấp dẫn cho khách du lịch cũng như trẻ em của thành phố đi tắm biển vào những buổi chiều, ngày nghỉ và vào kỳ nghỉ hè. Hiểu biết những nguyên nhân dẫn đến chết đuối, nhất là ở một thành phố ven biển rất cần thiết cho cha mẹ, cũng như cho các em nhỏ, học sinh, thanh-thiếu niên. Đồng thời, mỗi người trong chúng ta nên biết một số biện pháp cơ bản về cấp cứu chết đuối nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ em chết đuối ở mức thấp nhất, để không phải thấy những cảnh thương tâm và đau xót như vừa qua, để cho những ngày hè của các em bổ ích và đầy lý thú.

BS. NGUYỄN CẢNH TOÀN

;
.
.
.
.
.