.
Bà mẹ cần biết:

Những thay đổi “kỳ cục” khi mang thai

Khi mang thai, do sự gia tăng mạnh của hoóc-môn sinh dục, đặc biệt là progesterone nên có những thay đổi lớn trên cơ thể người phụ nữ và những thay đổi đó khiến bạn lo lắng, ngượng ngùng và không dám kể cho ai. Tuy nhiên, các phụ nữ khi mang thai cần phải biết những thay đổi thông thường và bất thường để khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

1- Da mặt thay đổi:

Một số bà mẹ mang thai xuất hiện các mảng thâm đen trên mặt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, dân gian gọi là “Mặt nạ thai nghén”, xuất hiện một đường sẫm chạy dọc bụng, các mạch máu nổi trên cánh tay, ngực, cổ và mặt, các mẩu thịt nhỏ lủng lẳng trên ngực, nách hay cổ. Nguyên nhân là do cơ thể bạn đã tạo ra nhiều melanin, gây sẫm da, dòng máu tăng cường khiến các mạch nổi rõ. Mẩu thịt thừa là do hoóc-môn. Đừng lo lắng và ngại ngùng. Những mảng sẫm và mạch máu li ti sẽ mất dần sau sinh. Bạn có thể dùng kem chống nắng để giảm đen và che các mạch máu bằng phấn trang điểm khi cần thiết.

2- Núm vú thâm đen và to:

Quầng vú và núm vú thâm đen lại là do sự biến đổi sắc tố do hoóc-môn mang lại, những cục nhỏ chi chít quanh núm vú và có thể chảy nước là do các tuyến nổi lên giúp lớp da căng quanh núm vú được bôi trơn. Đó là thay đổi sinh lý bình thường. Mặc dù núm vú có thể không hết hẳn màu đen, nhưng vết thâm đen sẽ thu nhỏ lại khi bạn ngừng cho con bú.

3- Âm đạo tiết ra nhiều dịch nhầy:

 Khi mang thai, ở cửa mình có chất nhầy trắng hoặc vàng nhạt (khí hư) liên tục chảy ra, khiến bạn luôn phải thay quần lót. Nếu khí hư không hôi, không đục thì chỉ cần rửa âm đạo bằng nước sạch và dùng băng vệ sinh hằng ngày. Đừng rửa sâu vào âm đạo bằng các dung dịch sát khuẩn, nó sẽ gây kích thích. Hãy đi khám nếu khí hư có mùi, gây ngứa, rát hoặc có màu vàng xanh, có thể bạn đã bị viêm nhiễm.

4- Ra mồ hôi như tắm:

Khi mang thai, mồ hôi trên cơ thể bạn chảy ra khắp nơi, dưới cánh tay, giữa hai đùi, trên bụng và chảy cả xuống mặt, cổ. Nguyên nhân là do hệ trao đổi chất của bạn đang hoạt động hết công suất, hệ tuần hoàn được tăng cường khắp cơ thể làm da nóng lên. Việc toát mồ hôi là cách cơ thể tự làm mát. Vì vậy, các bà bầu nên mặc áo quần thoáng mát, tránh dùng các sợi vải tổng hợp giữ nhiệt. Uống nhiều nước, sử dụng chất chống chảy mồ hôi dưới nách và bôi phấn rôm không mùi.

5- Hay bị són tiểu mỗi khi cười, ho...:

Khi mang thai, bạn được khuyên là uống 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Cơ thể bạn tăng thêm khoảng 10 đến 12 kg và bào thai nằm đè lên bàng quang, nên bạn dễ bị són tiểu khi cười, hắt hơi, ho... do tăng áp lực ở bàng quang. Đừng lo lắng và ngại ngùng, hãy đi tiểu thật nhiều vì bạn càng nhịn càng dễ bị són. Dùng băng vệ sinh mỏng và mang theo quần lót dự trữ. Nếu tiểu buốt, rát cần phải đi khám bác sĩ  ngay, vì có thể bạn đang bị nhiễm trùng đường tiểu.

6- Chân phù, nổi gân giống như bản đồ:

Chân sưng to, nổi lên chi chít các đường gân xanh tím là do sự tích tụ máu trong mạch, bắt nguồn từ sức ép của bào thai. Đừng đứng quá lâu, kê 2 chân lên mỗi khi ngồi hoặc ngủ, nhưng đừng bắt chéo. Tuy nhiên, nếu chân phù to kèm đau đầu thì cần phải đi khám thai ngay để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp phù do nhiễm độc thai nghén.

7- Giảm ham muốn tình dục và sợ ảnh hưởng đến em bé:

Một số phụ nữ thường bị ốm nghén trong 3 tháng đầu của thai kỳ, chính vì vậy mà họ thường không có nhiều ham muốn tình dục. Vào 3 tháng giữa thai kỳ, người phụ nữ cảm thấy khỏe khoắn hơn vì không còn cảm giác buồn nôn, lúc này ham muốn tình dục có thể  tăng lên đột ngột. Đến 3 tháng cuối thai kỳ, việc quan hệ tình dục có thể vất vả hơn đối với các cặp bố mẹ trẻ và các tư thế quan hệ cũng trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể quan hệ tình dục, chỉ nên chú ý đến tư thế phù hợp. Quan hệ tình dục trong thai kỳ không ảnh hưởng gì đến em bé vì bào thai đã được bảo vệ an toàn trong nước ối. Nếu bào thai phát triển bình thường và không có chống chỉ định của bác sĩ thì bạn có thể yên tâm quan hệ như bình thường. Chỉ cần bạn chú ý những tư thế thoải mái cho cả hai vợ chồng.

Bs THU THỦY

Khói thuốc lá có ảnh hưởng tới thai nhi không?

Một bạn đọc hỏi: Tôi lập gia đình và đang mang thai. Tôi làm việc trong môi trường có nhiều người hút thuốc lá, như vậy có ảnh hưởng tới thai nhi không ?

Bác sĩ Bích Ngọc (TT Truyền thông-Giáo dục sức khỏe - Sở Y tế) trả lời như sau: Người hút thuốc lá chủ động (người trực tiếp hút thuốc lá) và người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá của người khác hút) đều chịu tác hại như nhau. Trong khói thuốc lá có chất nicotine rất độc hại cho cơ quan hô hấp, tim mạch, thần kinh, đặc biệt có thể gây ung thư thanh quản, phế quản, ung thư phổi và nhồi máu cơ tim.
 
Đối với phụ nữ mang thai, hít nhiều khói thuốc sẽ có nguy cơ sinh con nhẹ cân. Nghiên cứu cho thấy, mỗi điếu thuốc lá trung bình chứa 0,5mg chất nicotine, trong khi đó 60mg chất này ở người lớn có thể gây chết do ức chế hô hấp, nếu thấp hơn có thể gây nôn mửa, tiết nhiều nước bọt, mệt mỏi, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, tăng huyết áp, đánh trống ngực, run chân tay và ra nhiều mồ hôi. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng phụ nữ nghiện thuốc lá có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh.

Để bảo đảm cho thai nhi phát triển bình thường, trong quá trình mang thai, người mẹ cần có chế độ lao động, nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý, ăn uống đầy đủ và cân đối các chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và muối khoáng, phòng chống thiếu máu bằng bổ sung sắt - axit folic. Không nên dùng thêm các thuốc khác nếu không có sự chỉ định của bác sĩ (kể cả thuốc bắc). Bạn cần khám và theo dõi thai định kỳ tại các cơ sở y tế ít nhất là 3 lần trong một thai kỳ hoặc khám bất kỳ lúc nào nếu có dấu hiệu bất thường.

;
.
.
.
.
.