.

Thức ăn lề đường và nguy cơ bệnh tật

.

Sử dụng thức ăn bán ở lề đường, vỉa hè (sau đây gọi là thức ăn lề đường - TĂLĐ) vừa ít tốn thời gian, lại vừa rẻ tiền hơn so với ăn trong các nhà hàng, cửa hiệu. Cái “lợi” đó khiến nhiều người thường chọn TĂLĐ khi không ăn cơm ở nhà. Họ không biết, hoặc cố tình không biết TĂLĐ có quá nhiều vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Thức ăn để “giữa trời”, mặc cho ruồi bâu, bụi bám và… vô tư ăn!
Một chiếc dù tròn hay một tấm bạt mỏng được căng trên vỉa hè, chỗ đông người qua lại, có khi ngay cạnh miệng cống hoặc thùng rác công cộng, bên dưới bày vài bộ bàn ghế con cũ kỹ, vậy là trở thành một điểm bán TĂLĐ. Những điểm bán TĂLĐ như thế hiện hữu ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố. Bàn ghế, bát đũa, các đĩa gia vị, chỗ nào cũng vo ve ruồi nhặng. Người bán hàng từ đun bếp, nhặt hành, giã tỏi, cho đến băm thịt, thái rau, bốc thức ăn bỏ vào tô, đôi tay làm đủ thứ việc mà chẳng mấy khi thấy chùi rửa.

Quan sát những quán bán bún ven đường gần Bến xe Đà Nẵng hay ở khu vực chợ Túy Loan, hoặc dọc theo quốc lộ 1A..., chúng tôi đều thấy những động tác na ná giống nhau. Ấy là, hễ có khách vào ăn, người bán hàng liền thò tay lấy miếng thịt đựng trong chiếc rổ, làm cho ruồi bay loạn xạ. Họ hối hả thái thịt cho vào trong một chiếc vá, nhúng vô nồi nước nhân rồi đổ lên tô bún. Bún đã được cho vào tô từ trước hoặc còn để trong rổ cùng với một rổ rau sống đặt bên cạnh và tất cả đều không che đậy, mặc sức cho ruồi bâu, bụi bám. Người bán bún với đôi tay trần vừa mới thái thịt đó, bây giờ lại bốc hành, ngò, rau thơm, đậu phụng bỏ lên trên tô bún, rồi bưng ra cho khách.
 
Ngay cạnh nồi nước nhân là một cái thùng nhỏ đựng nước rửa. Toàn bộ chén bát, đũa thìa mà khách ăn xong, chủ quán gom lại cho vào thùng rửa qua loa, lắm khi đắt khách họ chỉ nhúng vào cho trôi thức ăn thừa và lau sơ lại bằng một miếng giẻ đen nhờ nhờ, rồi tiếp tục đem “phục vụ” cho những thực khách mới đến.

Không chỉ những “quán dù”, “quán bạt” mà trong rất nhiều hàng quán nhỏ ven đường cũng cực kỳ mất vệ sinh. Khi bưng tô phở nóng hoặc đĩa cơm còn tỏa mùi thơm trên tay, có ai biết rằng phía trong quán, ngay sau tấm vách ngăn là một khu chế biến thức ăn dơ ơi là dơ! Xương, thịt tươi sống, rau sống, dao thớt cùng các loại thức ăn cả sống và chín để bừa bộn trên khu nền nhầy nhụa chen với nồi, thau, chén bát dính đầy dầu mỡ.

Thức ăn đã vậy, còn nước uống thì sao? Hầu hết các hàng quán ven đường đều có một bình nước uống, gọi là “nước chè” hay “nước trà đá”, kỳ thực họ chỉ nấu một tí nước trà (hoặc chè) rồi bỏ đá cục và đổ nước lạnh vào thật nhiều. Khách ăn xong, tự đến uống, uống được hay không tùy ý. Không ít trường hợp uống vào bị đau bụng, miệng nôn trôn tháo, phờ phạc cả người. Trước đây sắm ly nhựa, ly thủy tinh hay bị vỡ, bây giờ nhiều người bán hàng “chơi” ly sắt dù có rớt cũng không bể, chẳng cần biết đến tác hại của chất ô-xít sắt đối với cơ thể con người.

Kinh khủng nhất là những người bán TĂLĐ “kiêm thêm” bán xăng lẻ. Đang bán hàng ăn thấy khách dừng xe, bà ta lật đật chạy ra lấy xăng đổ vào xe, hối hả thu tiền, rồi lại lật đật chạy vào, chùi tay qua quýt (có khi cũng không chùi) và thản nhiên làm thức ăn bưng lên cho khách.

Không phải 100% TĂLĐ đều mất vệ sinh, nhưng cần khẳng định vấn đề mất an toàn thực phẩm trong TĂLĐ là một thực trạng đáng báo động và theo thông tin từ ngành chức năng thì đây là loại hình có nguy cơ cao nhất về mất an toàn thực phẩm. Ở Đà Nẵng, vấn đề ô nhiễm vi sinh vật và tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua thực phẩm là rất cao. Cụ thể như bánh mì có nhân các loại là 36,7%, bánh bèo 30%, bún - mì - phở 28,4%, thịt và các sản phẩm thịt ăn ngay 25%...

Một cuộc điều tra về VSATTP đối với mặt hàng bánh mì cách đây chưa lâu trên địa bàn ba quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu cho thấy, tỷ lệ không đạt VSATTP ở chả giò là 25,6%, bơ đậu 75%, bàn tay người bán hàng 80,4% và rau sống 100%. Vậy mà khi trò chuyện với một số người thường dùng TĂLĐ, chúng tôi đã nhận được những câu trả lời thật hồn nhiên, đại loại: “Gia đình tôi vẫn thường ăn ở những hàng quán ven đường mà có thấy bệnh tật gì đâu”, “Ngồi ăn ở ngoài đường thuận tiện, mát mẻ, đỡ mất thời gian”... Họ không hề hay biết đến nguy cơ bệnh tật đang rập rình, chờ chực. Chính sự dễ dãi ấy chứa đựng biết bao mối nguy hại cho chính họ và cho cả cộng đồng!

Mong các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền và thường xuyên kiểm tra, xử phạt thật nghiêm những trường hợp vi phạm, nhằm làm chuyển biến nhận thức của cả người tiêu dùng và người buôn bán đối với vấn đề VSATTP. Chỉ có như thế mới có thể tránh được bao hậu quả đau lòng từ hành vi mất an toàn thực phẩm.

Bài và ảnh: MINH THÀNH

;
.
.
.
.
.