.

7 nguyên nhân gây mệt mỏi

Nếu bạn ngủ một đêm 7-8 tiếng mà vẫn mệt mỏi. Trước khi đổ lỗi vì công việc quá nhiều, hãy nên tìm hiểu căn nguyên của sự mệt mỏi không lý giải được này. Nếu mệt mỏi kéo dài trên 1 tuần mà vẫn không tìm được nguyên nhân, đó là lúc bạn nên đến bác sĩ. Có thể sự mệt mỏi là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng nào đấy. Dưới đây là 7 nguyên nhân tiềm ẩn gây mệt mỏi:

1- Thiếu máu:

Nếu bạn trong giai đoạn sinh sản hoặc có chu kỳ kinh nguyệt dài, bị u xơ, polip tử cung hay mới sinh, tình trạng mất máu sẽ dẫn đến thiếu máu. Xuất huyết sẽ dẫn đến thiếu hemoglobin, một loại protein giàu chất sắt trong tế bào hồng cầu mang oxy từ phổi đến các bộ phận khác trong cơ thể. Khi các mô và cơ quan không đủ oxy, bạn sẽ thấy mệt mỏi.

Những nguyên nhân khác gây thiếu máu là xuất huyết bên trong, thiếu sắt, acid folic hay vitamin B12. Thiếu máu cũng gây ra các bệnh mạn tính như bệnh thận. Để xác định chẩn đoán thiếu máu, bác sĩ sẽ chỉ định làm  xét nghiệm máu. Nếu là nguyên nhân thiếu sắt, phương pháp điều trị thường là bổ sung sắt và các thực phẩm giàu chất sắt như rau bina, bông cải xanh và thịt đỏ vào chế độ ăn. Nếu điều trị hiệu quả, sự mệt mỏi sẽ dần cải thiện sau 30 ngày.

2- Tuyến giáp hoạt động kém:

Nếu bạn cảm thấy uể oải, kiệt sức, thậm chí chán nản thì có thể là do chứng giảm hoạt động của tuyến giáp. Theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ, khoảng 17% phụ nữ vào độ tuổi 60 sẽ bị rối loạn tuyến giáp và hầu hết đều không biết. Nguyên nhân phổ biến nhất là rối loạn tự miễn dịch, còn gọi là viêm tuyến giáp Hashimoto. Bệnh khiến cho cơ thể phá hủy những tế bào có nhiệm vụ sản xuất thyroxin và các hormone khác. Kết quả là dẫn đến chứng giảm hoạt động tuyến giáp hay chuyển hóa chậm.

3- Nhiễm trùng đường tiết niệu:

Mặc dầu phần lớn phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu với triệu chứng nóng rát và đi tiểu nhiều lần nhưng một số trường hợp mệt mỏi có thể là nguyên nhân chính. Không phải mọi phụ nữ đều có triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu rõ ràng. Một số không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ không đáng chú ý, ngoại trừ mệt mỏi. Nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra do loại vi khuẩn ở đường tiết niệu, thường là kết quả của vệ sinh cá nhân không đúng cách (rửa từ sau ra trước). Quan hệ tình dục cũng làm tăng nguy cơ vì đưa vi khuẩn từ âm đạo vào niệu đạo. Nếu nghi ngờ bạn bị nhiễm trùng tiết niệu, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm nước tiểu. Phương pháp điều trị rất nhanh chóng và dễ dàng bằng các loại kháng sinh uống. Nếu triệu chứng trở lại, nên làm lại xét nghiệm vì nhiễm trùng đường tiết niệu đã trở thành bệnh mạn tính.

4- Dùng chất caffein quá nhiều:
Nhiều người dùng cà-phê hay cola để tăng sinh lực bởi vì nó là một chất kích thích nhưng đối với một số phụ nữ, caffein có tác dụng ngược lại. Lạm dụng caffein sẽ gây mệt mỏi. Vì vậy, bạn hãy loại bỏ chất caffein khỏi chế độ dinh dưỡng. Không chỉ cà-phê, trà, soda và thậm chí trong một số loại thuốc chữa bệnh cũng chứa thành phần này.

5- Dị ứng thức ăn:

Mặc dù thức ăn cung cấp năng lượng cho chúng ta nhưng dị ứng nhẹ với thức ăn cũng gây buồn ngủ. Một số bằng chứng cho thấy dị ứng thức ăn gây ra mệt mỏi, thậm chí sự mệt mỏi cũng là dấu hiệu cảnh báo sớm sự khó chịu với loại thức ăn nào đó. Hãy loại bỏ các thức ăn gây cảm giác buồn ngủ trong vòng từ 10-30 phút sau khi ăn. Nếu nghi ngờ thức ăn nào gây cảm giác uể oải, bạn nên đến bác sĩ làm xét nghiệm dị ứng thức ăn để giúp xác định chính xác loại thực phẩm gây khó chịu.

6- Ngừng thở khi ngủ:

Nếu bạn không ngủ đủ thì lẽ dĩ nhiên sẽ mệt mỏi. Nhưng nếu bạn không biết liệu mình có ngủ đủ không, thì có thể là bạn đã bị chứng ngừng thở khi ngủ - một chứng rối loạn làm bạn ngừng thở giây lát và xảy ra nhiều lần trong một đêm. Mỗi lần ngừng thở, bạn lại tỉnh giấc và thường không nhận thức được việc này. Ngừng thở khi ngủ là do tắc nghẽn đường thở trên, thường xảy ra ở phụ nữ thừa cân hay béo phì. Ngày thường là dấu hiệu của ngừng thở khi ngủ. Nếu bị bệnh này, bạn nên thay đổi lối sống như giảm cân và bỏ hút thuốc lá. Phương pháp điều trị là dùng thiết bị để giữ cho đường thở mở trong khi ngủ. Ngoài ra, nếu cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định làm phẫu thuật để thông đường thở. Nếu không được điều trị, chứng ngừng thở khi ngủ sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim.

7- Bệnh tim:
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Nếu bạn cảm thấy quá sức mệt sau những hoạt động bình thường như dọn dẹp nhà cửa, làm vườn hay đi làm mỗi ngày, đó là lúc bạn nên nói với bác sĩ về khả năng bị bệnh tim. Nếu nguyên nhân mệt mỏi liên quan đến bệnh tim, thuốc và phương pháp điều trị sẽ giúp giảm mệt mỏi và khôi phục sinh lực.

BÌNH MINH

;
.
.
.
.
.