.

“Cái khó bó cái khôn”

.

Thời điểm hiện nay Đà Nẵng thiếu khoảng 100 bác sĩ, chưa kể y tá, điều dưỡng viên tại các bệnh viện công. Thiếu bác sĩ - câu chuyện chung của ngành y tế cả nước. Nhưng xem ra vấn đề này sẽ không khó giải quyết, nếu như bài toán nguồn nhân lực được tính lại một cách cẩn trọng, là sử dụng đúng người, đúng chỗ.

Thiếu bác sĩ từ chuyên khoa đến đa khoa

Bác sĩ gắn bó với bệnh viện bằng cái tâm chứ không phải chỉ có thu nhập, nhờ thế 4 năm nay BV Da liễu không có bác sĩ bỏ nhiệm sở.

Dù Đà Nẵng có số lượng bác sĩ (BS) cao so với cả nước nhưng việc mở rộng nhiều bệnh viện (BV), số lượng bệnh nhân (BN) trong khu vực đổ về ngày càng nhiều nên số lượng BS bổ sung hằng năm không đáp ứng đủ nhu cầu.

Khoa Ung bướu - BV Đà Nẵng là nơi duy nhất hiện nay tiếp nhận và điều trị BN ung thư. Nhưng 34 giường bệnh của khoa cũng luôn ở tình trạng quá tải với khoảng 60 - 70 BN điều trị, đó là chưa kể hơn 100 BN điều trị ngoại trú, nhưng chỉ có 10 BS tham gia khám chữa bệnh. Một năm nữa, dự án mở rộng khoa Ung bướu hoàn thành đưa vào sử dụng, sẽ có 100 giường bệnh, cần thêm 100 nhân viên, trong đó 30% là BS. BS Nguyễn Hồng Long, Trưởng khoa Ung bướu BV Đà Nẵng cho biết “Khoa hiện có 3 BS Chuyên khoa 2; 1 Thạc sĩ; 2 Chuyên khoa 1; 2 đang học Thạc sĩ và 2 BS đang học chuyên khoa định hướng.

Các BS lại thường xuyên đi học, bồi dưỡng nghiệp vụ nên lúc nào cũng thiếu BS làm việc. Một BN ung thư cần phải điều trị đa mô thức, gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và chăm sóc triệu chứng, nhưng BV chưa có máy xạ trị. Máy móc và con người là hai vấn đề bức thiết mà chúng tôi chưa giải quyết được”.

Hiện nay 1/3 BN ung thư có thể chữa khỏi, 1/3 có thể kéo dài thời gian sống (trên 5 năm). Ở Đà Nẵng, ước tính mỗi năm có khoảng 1.500 BN ung thư cần được điều trị giai đoạn đầu. Do đó tình hình thiếu BS nói chung và BS chuyên khoa ung bướu cần được giải quyết sớm. BS Long cho rằng, với một BS khi mới tốt nghiệp chuyên khoa, cần ít nhất 2-3 năm học định hướng và thực hành tại các BV mới có thể khám chữa bệnh thành thạo.  

Để thu hút BS, các BV đều đưa ra chính sách “trải thảm đỏ”, nhưng xem ra cách “trải thảm” khiến nhiều BV mất BS. Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn từng mời một BS (xin giấu tên) về làm việc, đưa đi đào tạo nâng cao tay nghề và được hưởng các phụ cấp giống như những BS khác. Nhưng khi đã “đủ lông đủ cánh”, BS này bỏ sang BV khác. Và với một BS đã có tay nghề, đã được đào tạo, thì BV nào chẳng muốn “trải thảm”. Vấn đề còn lại là không thể để tình trạng nơi này đào tạo, nơi khác lại được hưởng thành quả. Theo như suy nghĩ của BS Hà Nguyên Hào, Quyền Giám đốc BV Da liễu, thì người ta cần sống với nhau bằng cái tâm, đôi khi không nên vì thu nhập hay ở một nơi làm việc không “oai”, mà quên mất cái tâm của mình.

BV Da liễu hiện nay khám và điều trị cho khoảng 1.500-1.800 BN/tuần và đang thiếu 5 BS để bổ sung cho đội ngũ 15 BS hiện nay đang làm việc với cường độ cao. BV đã thay đổi cách tính thu nhập, với chế độ phụ cấp tương đương nhau, không phân biệt là BS định biên hay ký hợp đồng, và 4 năm nay không có tình trạng BS bỏ nơi làm việc. Da liễu là ngành học ít sinh viên quan tâm, BS luôn trong tình trạng thiếu nên cách giữ chân BS ở BV này-nói nhiều đến cái tâm của người thầy thuốc cùng  một chế độ đãi ngộ tương xứng và công bằng có thể cũng là cách để BS ít bỏ nhiệm sở.

Cần một mô hình phát triển mới

Việc Đà Nẵng liên tiếp công bố đề án xây dựng thêm 2 BV bậc cao là BV Ung thư và BV Phụ nữ đã làm nức lòng nhiều người dân thành phố. Theo BS Nguyễn Hồng Long, thì chủ trương mở thêm BV Ung thư là rất đúng đắn, kịp thời vì điều trị cho BN ung bướu đã trở thành vấn đề xã hội chứ không đơn thuần là vấn đề của các BV hay của ngành y tế; nhưng việc chuẩn bị đầy đủ ê kíp gồm phương tiện máy móc, con người mới là điều khó, cần tính đến trước khi BV hoàn thành.

Định hướng phát triển cho ngành y tế là xây dựng các BV chuyên khoa sâu, điều trị từng bệnh cụ thể cho BN; còn các Trung tâm Y tế quận, huyện chỉ nên là nơi khám chữa bệnh thông thường. Lúc đó BS mới làm việc đúng nơi, đúng chỗ, phát huy hết tay nghề. Nhưng trên thực tế các BV ở Việt Nam đều dàn trải, mang tính chất đa khoa nên việc thiếu BS là điều dễ hiểu. Hiện dân số mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu người, hệ thống y tế phát triển nhanh, thêm nữa hiện nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao, và sự gia tăng dịch bệnh, cả các bệnh “của người giàu”, nên định mức y tế hiện tại là 32 bác sĩ/10.000 dân sẽ tăng thêm 40/10.000 dân vào năm 2015 và 50/10.000 dân vào năm 2020.

Tại Đà Nẵng vào năm 2004, tất cả 56 xã, phường đã có đủ BS, nhưng giờ đây tiêu chuẩn này đã không đạt được, mà nguyên nhân hàng đầu là do các BS không phát huy hết tay nghề khi công tác tại Trạm y tế, nên họ bỏ nhiệm sở, tự tìm đến các BV lớn. Với đường giao thông thuận lợi, chỉ cần 30 phút là nơi xa nhất của thành phố đã có thể tiếp cận được với các BV lớn, nên vấn đề đặt ra là có cần thiết không, có nên theo chuẩn của Bộ Y tế là mỗi xã, phường có 1 BS không (!?).

Như vậy trạm y tế ở xã, phường chỉ cần làm công tác quản lý sức khỏe, làm công tác y tế dự phòng, đề ra các biện pháp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe nhân dân, còn việc khám chữa bệnh đã có các BV tuyến trên thực hiện. Và nên hình thành BV đa khoa khu vực (như mô hình BV Liên Chiểu, Hòa Vang sắp đến). Lúc đó trang thiết bị dàn trải cho các trạm y tế sẽ được đầu tư đúng nơi, sử dụng hết công suất, tạo ra hiệu quả của việc khám chữa bệnh. 

Nhiều BS lãnh đạo các BV tuyến dưới cho rằng, mỗi năm họ đều gửi BS đi đào tạo nâng cao tay nghề (tự bỏ kinh phí, có hỗ trợ thu nhập), nhằm phát triển BV sau này, nhưng lại “mất” chính những BS được gửi gắm đó sau khi họ có thêm bằng cấp. Nhà nước nên có cơ chế quản lý đối tượng theo hình thức: Các BV khác nếu muốn rút BS thì nên có hợp đồng chuyển nhượng cán bộ, cũng như cần điều khoản ràng buộc nếu BS ra đi, cần bồi hoàn kinh phí đào tạo hoặc các khoản ưu đãi đã nhận trước đó, tránh chuyện thiệt hại cho các BV. Một vấn đề nữa không chỉ của ngành y tế Đà Nẵng mà là tình trạng chung của cả nước, là nhiều BS điều trị chuyển sang làm công tác quản lý, gây nên sự thiếu BS đảm nhiệm việc điều trị cho BN…

Năm 2008, ĐH Đà Nẵng mở khoa đào tạo ngành y-dược, và phải mất 6 năm nữa mới đào tạo nên những BS đầu tiên. Theo BS Nguyễn Mậu Du, Trưởng phòng Tổ chức, Sở Y tế Đà Nẵng, thì cần tìm nguồn BS ở các tỉnh, thành phố để thu hút, theo cách “trải thảm đỏ” với người giỏi; cũng như cần dùng lực lượng trẻ để đào tạo sâu ngay từ bây giờ. Vì với ngành y, với lời tuyên thệ y khoa trong ngày lễ tốt nghiệp “Hôm nay mới là ngày bắt đầu”, thì việc “xây” con người ngay từ bây giờ không là quá muộn so với xây cơ sở vật chất.

 

Theo BS Nguyễn Mậu Du thì cần đổi mới trong việc đào tạo nhân lực cho ngành y tế như tăng thời gian thực hành cho sinh viên; củng cố và phát triển các BV thực hành trong các nơi đào tạo.

Đào tạo có địa chỉ: BS dự phòng, BS điều trị, BS chuyên khoa, BS cho xã-phường, BS quản lý… Vì nếu đào tạo không có địa chỉ, BS khi ra trường đến nơi làm việc với tâm lý bất đắc dĩ do không phù hợp. Sau ĐH cần có đào tạo Thạc sĩ y tế công cộng, y tế dự phòng.

 

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.