.

Cảnh giác với các dịch bệnh thường gặp ở trẻ em

.

Thời gian gần đây, sự thay đổi về thời tiết kèm theo mưa rải rác đã tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, kéo theo các bệnh truyền nhiễm cấp tính bùng phát. Do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của những bệnh nguy hiểm này.

Nỗi lo tiêu chảy cấp, ngộ độc thức ăn

Một bệnh nhân nhi mắc bệnh suy hô hấp và tiêu chảy đang điều trị  tại  phòng Hồi sức Nhi thuộc Khoa nhi-Bệnh viện Đà Nẵng.
Hiện nay các tỉnh miền Bắc đang xuất hiện trở lại bệnh tiêu chảy cấp rất nguy hiểm, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất. Riêng tại thành phố Đà Nẵng, trong 7 tháng đầu năm đã ghi nhận 3.411 trường hợp tiêu chảy, trong đó phần lớn là trẻ em. Hầu hết các trường hợp tiêu chảy cấp là do thức ăn bị nhiễm bẩn. Tác nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn lỵ, thương hàn, tả... hoặc vi rút, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hơn 50% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy nhiều, hãy sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được xử lý bệnh sớm và đúng cách. Mùa hè thực phẩm rất dễ hư, bên cạnh đó các loại côn trùng như ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến phát triển nhiều nên càng dễ làm lây lan các mầm bệnh ở đường tiêu hóa. Do trẻ không ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm nên dễ bị ngộ độc thực phẩm. Khi bị nhiễm độc, biểu hiện chung là nôn, đau bụng từng cơn, tiêu chảy liên tục, phân lỏng sền sệt hoặc toàn nước có khi lẫn máu hoặc chất nhầy như mũi; rối loạn điện giải, đôi khi kèm theo tức ngực, khó thở...

Sốt, say nắng không rõ nguyên nhân

Đó là bệnh lý thường gặp ở trẻ em khi nhập viện điều trị tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian gần đây. Lý giải cho hiện tượng này, các bác sĩ cho biết, do trẻ em mải vui chơi trong những ngày nắng nóng khiến nhiều em bị choáng, mất nước gây sốc và có thể dẫn đến tử vong. Đây là hiện tượng do nhiệt độ và tia cực tím của mặt trời gây ra. Tia tử ngoại có khả năng xuyên qua lớp sừng của da tới hạ bì gây cháy da và say nắng. Nhiệt độ cao trong những ngày nắng nóng làm giãn mạch não gây ra tăng áp lực sọ và làm nhức đầu, có thể kèm theo nôn mửa hay hôn mê, co giật do ức chế võ não - làm tăng các hoạt động thần kinh tự động dưới vỏ. Phòng say nắng cho trẻ bằng cách không cho trẻ chơi ngoài nắng gắt, cho trẻ uống nhiều nước và dùng một số thức ăn có thể hỗ trợ giúp cơ thể chống lại các ảnh hưởng của ánh nắng và chống sự ô xy hóa với các thức ăn giàu caroten như dưa hấu, dưa vàng, rau ngò, cải bó xôi..., vitamin E, vitamin C. Rất nhiều trẻ đang chơi bình thường tự nhiên lên cơn sốt, do vậy cha mẹ cần chú ý tới việc bù nước và hạ sốt cho trẻ. Nếu không bù nước tốt, trẻ sẽ bị mất nước điện giải, cộng với thân nhiệt cao sẽ dẫn tới các biến chứng như co giật, hôn mê, đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Viêm não Nhật Bản B

Thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, trong 7 tháng đầu năm 2008 đã xuất hiện 4 ca viêm não do vi rút gây ra. Đây là một bệnh nhiễm trùng thần kinh gây dịch về mùa hè do một loại Arbovirut nhóm B gây nên, thường xuất hiện trong mấy năm trở lại đây với tỷ lệ tử vong khá cao. Nếu có chữa khỏi thì cũng để lại di chứng thần kinh nặng nề. Khi bị bệnh, trẻ sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức rồi rơi vào hôn mê nhanh. Một số trường hợp có biểu hiện liệt thần kinh. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện trên, cần nhanh chóng đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này. Có thể ngừa bằng cách giữ môi trường trong sạch, nhà ở thoáng mát, nằm màn khi ngủ; phun thuốc diệt muỗi và côn trùng; tiêm phòng vắc-xin viêm não cho trẻ đầy đủ.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.