.

Chuẩn bị cho mùa bão lũ

.

Khu vực miền Trung, trong đó có thành phố Đà Nẵng mỗi năm phải hứng chịu từ nhiều cơn bão mạnh, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Do vậy, những phương án để chủ động phòng chống trong mùa mưa bão hằng năm luôn được các ngành, địa phương quan tâm hàng đầu. Vậy ngành Y tế Đà Nẵng có những phương án phòng chống nào trong mùa mưa bão năm 2008?

“Bốn tại chỗ” đối với y tế

Những bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng luôn sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân bị tai nạn.


Thiệt hại từ những cơn bão là rất lớn, riêng đối với ngành Y tế, khắc phục khó khăn trong công tác khám chữa bệnh, đặc biệt cùng với các lực lượng khác ứng cứu kịp thời khi bão đổ bộ vào đất liền là một thách thức không nhỏ. Thực tế từ những cơn bão lớn trong những năm gần đây cho thấy, nếu không chủ động lên kế hoạch “tác chiến” và có sự phối hợp với các ban, ngành khác, các địa phương trong tìm kiếm, cứu nạn kịp thời trong bão thì con số tổn thất về nhân mạng sẽ không nhỏ.
 
Tại Đà Nẵng, đợt lũ cuối năm 2007 xấp xỉ đỉnh lũ năm 1999 gây ngập lụt nặng tại 22 xã, phường với 27.600 hộ dân. Nặng nhất là các xã vùng trũng của huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ như Hòa Tiến, Hòa Xuân, Hòa Châu, Hòa Thọ Tây và các phường Hòa Quý, Hòa Hải của quận Ngũ Hành Sơn. Trong mưa lũ, ngành Y tế đã chỉ đạo các tuyến nắm thông tin nhanh và chính xác các điểm ngập lụt tại các trạm y tế và các bệnh viện.

Riêng đối với Trung tâm cấp cứu 05 của thành phố đã huy động hết nhân lực và đầu xe cấp cứu, kịp thời chuyển 250 lượt bệnh nhân về các cơ sở điều trị. Đặc biệt, các bác sĩ và nhân viên Bệnh viện đa khoa khu vực Hòa Vang-Cẩm Lệ đã trực chiến 24/24 giờ di chuyển gần 100 bệnh nhân đang điều trị nội trú trước khi nước lũ ngập hết tầng một của bệnh viện. Nhờ xử lý các tình huống kịp thời nên không xảy ra thiệt hại về tính mạng bệnh nhân.

Theo bác sĩ Trần Văn Nhật, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, để có thể nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống bão lũ hiệu quả và đồng bộ, trong những năm qua, ngành Y tế thành phố duy trì phương án “bốn tại chỗ”. Đó là phải có cán bộ chỉ huy tại chỗ, điều phối các lực lượng tìm kiếm và tiếp nhận thông tin; lực lượng tại chỗ, có bác sĩ và nhân viên y tế sẵn sàng sơ cấp cứu bệnh nhân; phương tiện tại chỗ, có đủ trang thiết bị, phương tiện cấp cứu phục vụ yêu cầu chuyên môn; hậu cần tại chỗ thiết yếu như máy phát điện, lương thực, ghe xuồng máy…

Theo bác sĩ Nhật thì phương án “bốn tại chỗ” của ngành Y tế thường xuyên duy trì hằng năm và tổ chức thực hiện ngày càng thuần thục hơn. Trước mùa mưa bão năm nay, ngành Y tế đã chuẩn bị dự phòng 600 cơ số thuốc, mỗi cơ số trị giá 500 ngàn đồng để cấp phát cho người dân trong mùa bão lụt.

Đẩy mạnh công tác y tế dự phòng hậu bão

Năm nào cũng vậy, sau bão lũ, Trung tâm Y tế dự phòng luôn phải huy động lực lượng xuống các địa phương ngập lụt xử lý môi trường, khám sức khỏe và điều tra tình hình dịch tễ tại các khu dân cư, trường học. Qua nhiều năm cho thấy, sau bão lũ các bệnh như đỏ mắt, tiêu hóa thường xuyên xuất hiện.

Ngoài ra, nguồn nước bị ô nhiễm nặng cũng gây ra những đợt dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh tiêu chảy rất dễ lây lan trong cộng đồng. Đợt lũ năm 2007, toàn thành phố có 845 người bị nhiễm khuẩn hô hấp, 374 trường hợp rối loạn tiêu hóa, 275 trường hợp viêm da. Trước tình hình đó, ngành Y tế dự phòng đã thành lập 30 đội ứng cứu phối hợp với các trạm y tế xử lý môi trường và cấp phát thuốc cho người dân.

Thạc sĩ - bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, để chuẩn bị đối phó với tình hình như dự báo năm nay diễn biến phức tạp và mức độ nặng hơn, Trung tâm đã đề nghị Cục Y tế dự phòng và Môi trường -Bộ Y tế hỗ trợ thêm hóa chất và thuốc men để dự phòng khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng và có thể ứng cứu cho tỉnh bạn Quảng Nam.
 
Hiện nay, hầu hết các trạm y tế của thành phố được nâng cấp và tầng hóa kiên cố, tuy nhiên, một khó khăn hiện nay là cơ sở vật chất của Bệnh viện đa khoa khu vực Hòa Vang - Cẩm Lệ vẫn còn sơ sài, xuống cấp và bộc lộ nhiều hạn chế mỗi khi có bão, lũ. Do vậy, đầu tư nâng cấp bệnh viện là một việc làm cần thiết cho địa phương vốn là rốn lũ của thành phố hiện nay.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.