.

­Nỗ lực bình ổn giá thuốc

.

Là doanh nghiệp cung ứng gần 1.400 mặt hàng thuốc tại 22  bệnh viện và các cơ sở điều trị trên địa bàn thành phố, đồng thời nắm giữ hơn 70% thị phần phân phối dược phẩm tại thị trường Đà Nẵng, tuy vậy, những biến động lớn về giá thuốc khiến cho Công ty cổ phần Dược-thiết bị y tế Đà Nẵng (Dapharco) lâm vào tình trạng khó khăn vì nợ đọng từ các đơn vị và thua lỗ do giá thuốc tăng liên tục.

Bù lỗ nặng!

Dapharco vẫn đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho Bệnh viện Đà Nẵng theo giá thầu.


Dự báo được tình hình giá thuốc có thể biến động và tăng trong năm 2008, từ năm 2007, Dapharco đã có kế hoạch dự trữ một lượng thuốc thiết yếu để dự phòng trong khoảng 3 đến 4 tháng. Doanh nghiệp cũng đã tiến hành đàm phán với nhiều hãng dược phẩm cam kết cung ứng theo giá hợp lý. Tuy vậy, theo Dược sĩ Phan Thỉnh, Tổng Giám đốc Công ty Dapharco, trước những biến động tăng giá từ những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008, doanh nghiệp chỉ có thể bảo đảm được một số mặt hàng cung ứng ở các bệnh viện trong một thời gian ngắn theo mức giá cũ.
 
Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất dược phẩm trong nước và các hãng dược phẩm nước ngoài liên tục tăng giá từ 5 đến 40%, thậm chí cá biệt có những mặt hàng tăng giá đến 114% sau thời điểm 30-6 khiến cho doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn rất lớn do phải bảo đảm thuốc cung ứng theo đúng giá đấu thầu từ tháng 10 năm 2007.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2008, Dapharco đã phải bù lỗ 16 tỷ đồng do tuân thủ giá cam kết và những yếu tố bất lợi từ lãi suất ngân hàng và tỷ giá đô-la. Theo nhiều chuyên gia quản lý về dược thì giá thầu mà các doanh nghiệp cung ứng vào các bệnh viện hiện nay khá thấp so với mặt bằng giá mới trên thị trường. Do vậy, chịu lỗ cũng là điều đương nhiên của doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn, Dapharco liên tiếp gửi các công văn kiến nghị lên Cục Quản lý Dược-Bộ Y tế, Sở Y tế và các bệnh viện xin được điều chỉnh một số mặt hàng có giá đầu vào tăng mạnh, trong đó có kèm theo danh mục thuốc cần được tăng giá. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn phải chờ những quyết định điều chỉnh, xem xét từ phía Bộ Y tế và UBND thành phố. Cũng theo ông Thỉnh, để có thể giảm thiểu những chi phí tăng giá từ doanh nghiệp, Dapharco đang tiến hành rà soát lại hệ thống phân phối và cắt giảm các chi phí không cần thiết trong quản lý, kinh doanh.

Trợ giá là cần thiết

Trước tình trạng bù lỗ liên tiếp của doanh nghiệp dược, trong cuộc họp bình ổn giá thuốc thị trường thành phố Đà Nẵng mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đã trực tiếp chỉ đạo ngành Y tế thành phố cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp, trong đó có Dapharco bảo đảm cung ứng đủ lượng thuốc phục vụ khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện của thành phố trong thời gian tới.
 
Trước mắt là tiếp nhận hồ sơ xem xét và điều chỉnh theo mức giá mới một số mặt hàng thuốc và trang thiết bị tăng giá mạnh trong thời gian qua. Trong khi đó, theo ý kiến của lãnh đạo Sở Y tế thành phố thì giải pháp cho đấu thầu lại giá thuốc sẽ mất rất nhiều thời gian do thẩm định giá thầu mới và tổ chức đấu thầu. Do đó, thời gian để tiến hành đấu thầu chỉ có thể ấn định vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009.

Hiện nay, Sở Y tế thành phố đã tổ chức tiếp nhận và xem xét điều chỉnh giá 184 mặt hàng thuốc do Công ty Dapharco đề nghị. Theo Dược sĩ Trần Cúc, Trưởng phòng Quản lý Dược, Sở Y tế thành phố cho biết, mức giá điều chỉnh sẽ tăng khoảng 5% so với mức giá các doanh nghiệp cung ứng nhập vào. Tuy vậy, sự điều chỉnh tăng giá đang được Sở Y tế xem xét và trình UBND thành phố thông qua trong thời gian tới.
 
Có thể thấy, trước những biến động giá thuốc tăng mạnh thì sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời của UBND thành phố đối với mặt hàng thiết yếu như thuốc chữa bệnh là động thái tích cực của thành phố sát cánh cùng doanh nghiệp trong vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong khi nhiều doanh nghiệp dược khác trong cả nước có dấu hiệu “buông tay” do trượt giá thì Dapharco vẫn cố gắng cam kết giữ “chữ tín” trong cung ứng thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh theo mức giá không có lợi nhiều cho doanh nghiệp.

Bài và ảnh: V.D      

;
.
.
.
.
.