.

Thận trọng với nước giải khát vỉa hè

.

Những ngày hè nắng nóng, bất cứ ở nơi đâu trên vỉa hè các con đường thành phố, người đi đường đều có thể tìm thấy những quán giải khát vỉa hè. Có thể là một gánh chè rong, một xe nước mía hay một hàng sinh tố với đủ loại trái cây…
 

Mía dựng sát với thùng rác công cộng để chờ ép nước bán cho khách hàng.


Những quán giải khát này xem ra rất tiện lợi; nhanh chóng giải quyết cho khách hàng thỏa mãn được cơn khát trong thoáng chốc, giá cả cũng phải chăng so với những quán hàng đường bệ khác. Thế nhưng, sự qua loa trong chế biến và về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở những hàng quán giải khát vỉa hè này là vấn đề rất đáng quan ngại.

Từ chập tối, đi trên đường Ông Ích Khiêm (đoạn từ chợ Cồn hướng ra đường Nguyễn Tất Thành), chúng ta thấy mọc lên rất nhiều quán giải khát (chủ yếu là bán sinh tố) ven đường. Chủ nhân của những quán giải khát này đa số là người dân sinh sống ở trong các kiệt, hẻm gần đó; đêm xuống, họ mượn vỉa hè để làm đất mưu sinh. Ở những chiếc tủ ven đường với đủ loại trái cây được chủ quán trang trí trông khá bắt mắt, một vài chiếc máy xay sinh tố, một thùng xốp để đựng đá đã được bào mịn, vài chục chiếc ly…
 
Khách đến ăn sinh tố cứ thế ngồi ngay trên vỉa hè, và chỉ cách nơi họ ngồi chưa đầy một mét là lòng đường với cơ man các loại xe lưu thông xuôi ngược. Đoạn đường này xấu, xe cộ qua lại rất đông nên thường xuyên tung bụi mịt mù, rất mất vệ sinh. Đó là chưa nói đến việc mỗi hàng quán giải khát này chỉ có hai chiếc xô nhỏ dùng để rửa ly sau khi khách ăn sinh tố, rồi cứ thế phục vụ tiếp… Bên cạnh đó còn có hàng chục ly sinh tố được làm sẵn, chỉ chờ có khách vào quán là tưới lên một ít sữa đặc loại giá rẻ, vài hạt đậu phụng rang, với tay vốc một nắm đá bào…, vậy là đưa cho thực khách.

Ở những quán giải khát vỉa hè, giá cả bao giờ cũng là vấn đề được cả chủ quán lẫn người tiêu dùng quan tâm, làm sao vừa ngon lại vừa rẻ là thành công. Vì vậy, có không ít chủ quán không ngần ngại khi sử dụng những nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc để pha chế. Đường cũng có đường “siêu” ngọt, rồi bột nhừ (dùng để ninh các loại đậu cho nhanh nhừ), các loại phẩm màu… dùng để pha chế trà sữa, xi-rô… Ở khu vực trước cổng các trường tiểu học, trung học cơ sở, mặc dù đang trong mùa hè nhưng các quán giải khát ở đây cũng không hề vãn khách.
 
Nhiều học sinh đã quen với hương vị các loại nước giải khát ở đây vẫn thường tìm đến để thưởng thức, thậm chí có những học sinh đã chuyển sang học ở một bậc học khác, nhưng lúc ngang qua trường học cũ cũng ghé lại nhâm nhi các loại nước ngọt được pha chế đủ màu xanh đỏ ở đây. Cũng do các chủ quán giải khát dùng nguyên liệu “siêu” rẻ để chế biến, cho nên dù đang trong thời “bão giá” mà mỗi túi nước ngọt cũng chỉ giữ giá 1.000 đồng.

Rõ ràng, vấn đề VSATTP ở những quán giải khát vỉa hè như đã nêu trên thì ai cũng biết, nhưng có bao nhiêu người biết là không an toàn mà vẫn thản nhiên sử dụng thì không ai thống kê được. Chúng tôi xin nêu ra một vài thông số do Bộ Y tế công bố: Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 300-500 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố luôn chiếm hơn 50%. Đặc biệt, báo cáo xét nghiệm bàn tay của những người bán hàng chế biến hay bốc thức ăn, tỷ lệ nhiễm khuẩn E. Coli (một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kiết lỵ, tiêu chảy) là rất cao.

Thời gian qua, ở nhiều địa phương trên cả nước đang đối đầu với rất nhiều nạn dịch, đặc biệt là dịch tiêu chảy cấp đã làm cho chính quyền, ngành Y tế và cả người dân hết sức lo ngại. Vì vậy, việc người tiêu dùng không ý thức tốt về vấn đề VSATTP là một động thái làm cho dịch bệnh lây lan.

Bài và ảnh: BẢO THY

;
.
.
.
.
.