.

Trạm y tế “kính chuyển”

.

Ngành Y tế đang tỏ ra lúng túng vì tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng ở tất cả các tuyến. Ở tuyến y tế cơ sở, nơi mà người dân địa phương lẽ ra có thể tin tưởng, gửi gắm cả sinh mệnh của mình vào đó, lại làm không ít người lo lắng vì tình trạng “trắng” bác sĩ.

“Linh hồn” của các trạm y tế

 

Có bác sĩ, có thiết bị y tế hiện đại, TYT Hòa Phong đã làm yên lòng những bệnh nhân như chị Lê Thị Bông.

Gần tháng nay, chị Lê Thị Bông cảm thấy đau nhức ở thắt lưng ngày một nhiều hơn. Chịu hết nổi, chị nhờ con chở xuống trạm y tế (TYT) xã để xem đau ốm thế nào. Qua siêu âm, Bác sĩ Trưởng trạm Nguyễn Triêm phát hiện chị bị sỏi ở thận bên trái, kê đơn cho chị yên tâm chữa trị. Cầm cái toa thuốc trên tay, chị thở phào: “Biết mình đau cái chi, thấy nhẹ cả người.
 
Trước đó, nhiều người bảo tui bị tức lưng là do này nọ đủ thứ, nghe bắt mệt”. Từ nhà chị ở thôn Khương Mỹ đến TYT Hòa Phong cũng đã gần 5km, nếu không khám được ở trạm chị phải đi thêm gần gấp đôi chừng đó nữa xuống tới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hòa Vang - Cẩm Lệ.

TYT Hòa Phong là đơn vị tiêu biểu nhất của mạng lưới y tế cơ sở ở Hòa Vang hiện nay. Năm 2004, trạm được cấp một máy đo điện tâm đồ sau khi đạt chuẩn quốc gia, ba năm sau được cấp thêm một máy siêu âm. Theo bác sĩ Triêm - người đã 21 năm “bám trụ” ở trạm, thì các thiết bị y tế hiện đại này là cánh tay đắc lực giúp ông và đồng nghiệp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương.

Bác sĩ được xem là “linh hồn” của các TYT xã, phường. Thiếu bác sĩ, thì dù cơ sở vật chất có khang trang, bề thế, lắp đặt thiết bị hiện đại đến mấy cũng chỉ để... ngắm chơi, như TYT Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) chẳng hạn. Sau khi tách từ phường Hòa Hiệp cũ, TYT Hòa Hiệp Bắc thuê nhà dân một thời gian. Tháng 9-2007, trạm khánh thành đưa vào sử dụng (xây dựng bằng nguồn tài trợ của một tổ chức nước ngoài), 3 tháng sau, được công nhận đạt chuẩn quốc gia và được cấp một máy đo điện tâm đồ. Nhưng do thiếu bác sĩ nên hiện máy vẫn “đắp chiếu”, chờ một y sĩ ở trạm xong khóa tập huấn 3 tháng về vận hành máy điện tâm đồ tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật y tế II về điều khiển.

Hòa Hiệp Bắc hiện có 13 nghìn dân, trong đó có 300 người ở thôn Hòa Vân - nơi cách đất liền 10km. Ra đó, mùa hè đi thuyền, mùa đông đi bộ. Ông Trương Việt, Phó Chủ tịch UBND phường, than thở: “TYT phường sống một cảnh hai quê, ra ngoài đó mất 2 nhân viên y tế, ở trong đất liền thì còn thiếu bác sĩ và nhân viên phụ trách công tác dân số. Ở quá xa Trung tâm Y tế Liên Chiểu, nếu TYT đủ nhân lực và thiết bị để các thai phụ từ Hòa Vân vô trạm sinh thì đỡ cho họ biết mấy”.

Bao giờ hết “di dân chất xám”?

Huyện Hòa Vang hiện có 3/11 TYT xã (gồm Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước) thiếu bác sĩ, do điều chuyển lên tuyến trên. Thật bất ngờ khi một quận ở nội thành Đà Nẵng như Hải Châu, con số này lại nhiều hơn: 5/13. Các TYT Hòa Cường Nam, Hòa Thuận Đông thiếu bác sĩ từ khi chia tách phường; 3 TYT còn lại (Bình Hiên, Hải Châu 1, Thuận Phước) có 2 bác sĩ điều chuyển lên tuyến trên và 1 bác sĩ xin nghỉ việc. Thiếu bác sĩ, các TYT hoạt động dè dặt, thiếu tự tin. Có người gọi đùa là TYT “kính chuyển”, bởi các ca bệnh ngoài khả năng chuyên môn của y sĩ ở trạm đều được “kính chuyển” lên tuyến trên cho... an toàn.

Vì sao đội ngũ bác sĩ không muốn ở lại tuyến xã, phường? Vấn đề căn cơ vẫn là thu nhập, mặc dù trong đơn xin đi, không ai nêu thẳng điều này. Phó Trưởng phòng Y tế huyện Hòa Vang Bùi Thanh Vinh nhìn nhận: “Trong khi ngành GD-ĐT khuyến khích giáo viên lên miền núi bằng các chế độ đãi ngộ thì ngành Y tế, từ bác sĩ đến nhân viên hiện vẫn không có được sự ưu ái đó”. Vẫn theo ông Vinh, đã thế, so với tuyến trên, bác sĩ tuyến xã áp lực công việc nhiều hơn, vất vả hơn, nhưng thu nhập và cơ hội đi học chuyên môn lại ít hơn. Bác sĩ về làng, nếu không chịu khó học hỏi là sẽ bị “đùi” kiến thức ngay.

Vì thế, bác sĩ rất ngại về xã, phường; còn bác sĩ xã, phường thì mong ngóng đâu đó có cơ hội là chia tay cơ sở ngay. Tất nhiên vẫn có một số bác sĩ xã, phường không muốn lên các tuyến trên, cũng chẳng muốn ra các bệnh viện tư. Họ tự xét sức mình, yếu không dám ra gió, đành “an phận thủ thường” tại TYT với tinh thần làm việc gặp chăng hay chớ.

Cơ sở vật chất khang trang, thiết bị hiện đại, nhưng thiếu bác sĩ, nên TYT Hòa Hiệp Bắc cũng chỉ để... ngắm chơi!

Trước hiện tượng “di dân chất xám” từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ bệnh viện Nhà nước ra bệnh viện tư nhân, Bác sĩ Nguyễn Duy Hải, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hải Châu lo lắng: “Nếu căn cứ theo Thông tư Liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV về việc hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước do Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ban hành thì ở Hải Châu thiếu đến 37 bác sĩ, trong đó có 5 bác sĩ tuyến phường. Đã thế, vừa qua cả quận lại có 10 bác sĩ điều chuyển và xin nghỉ việc nên việc khám, chữa bệnh cho người dân càng khó khăn hơn”. 

Vẫn theo bác sĩ Hải, để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, Sở Y tế thành phố đã có kế hoạch luân chuyển bác sĩ từ tuyến thành phố xuống tuyến quận, huyện; từ tuyến quận, huyện xuống xã, phường, nhất là những nơi thiếu bác sĩ. Xem ra đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, chỉ luân chuyển từ 3-6 tháng, chứ “cắm rễ” luôn ở tuyến dưới thì khó mà tìm ra người đi.

Điều căn cơ là đã đến lúc phải nghĩ đến một chế độ đãi ngộ nhiều hơn cho đội ngũ y bác sĩ để họ yên tâm công tác, dù là công tác ở tuyến xã, phường. Có như thế, mới chấm dứt các TYT “kính chuyển” và ít nhiều mang lại sự công bằng cho người dân ở mọi địa bàn trong việc chăm sóc sức khỏe.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.