.

Trời hạn mong mưa

.

Do thiếu bác sĩ tại phòng khám bệnh nên phòng khám chỉ khám được: Buổi sáng khoảng 150 bệnh nhân. Buổi chiều khoảng 60 bệnh nhân. Các bệnh nhân đến sau xin chuyển sang buổi sau. Riêng bệnh nặng xin chuyển sang cấp cứu.

Với công suất 2,6 trẻ/giường, bác sĩ và cán bộ hành chính khoa Nhi không phút nào ngơi tay.

Đó là những dòng chữ ghi trên bảng thông báo tại Trung tâm (TT) Y tế quận Liên Chiểu vào ngày 31-7. TT hiện có 100 giường bệnh với 93 cán bộ, nhân viên, trong đó có 27 bác sĩ. Công suất sử dụng giường bệnh hiện nay là 151%, luôn ở trong tình trạng quá tải.

Không nhận trẻ dưới 2 tháng tuổi

Em Trần Văn H., 14 tuổi, nhập viện trong tình trạng bị bệnh sốt xuất huyết. Tất tả xách lồng cơm từ nhà đến, chị Nga mẹ của H. vừa bón cơm cho con vừa nói: “Nhà tôi neo người nên đôi lúc gửi cháu lại để về lo cơm nước. Phòng trực của bác sĩ ngay cạnh nên tôi cũng yên tâm để cháu lại đây”. Hầu như ai cũng có mong muốn nhận được sự quan tâm của các y, bác sĩ như lời tâm sự của chị M., mẹ của bé Quỳnh H. (6 tháng tuổi) đang điều trị bệnh viêm phổi tại TT: “Trẻ nhỏ thường hay đau ốm, lại dễ bị suy dinh dưỡng nên rất cần một không gian rộng rãi, thoáng mát cho các cháu nghỉ ngơi và bình phục. Một môi trường thoáng mát, một bác sĩ tâm lý là điều chúng tôi cần nhất khi đến đây”. Bác sĩ Phạm Phú Điềm, Phó Giám đốc TT cho biết:

“Trước đây, chúng tôi có phòng thông tin với các thiết bị như một nhà trẻ làm nơi vui chơi khi các em đến điều trị, nhưng sau do thiếu phòng, nên phải xếp chúng vào kho. Có một sân chơi cho bệnh nhân nhí không những là mong muốn của chúng tôi mà còn là mong muốn của ba mẹ các em”.

Chị Lê Thị Hồng Liên, nhân viên điều dưỡng tại khoa Nhi cho biết thêm, trẻ dưới 2 tháng tuổi TT không nhận vì không có bác sĩ chuyên môn, số bệnh nhân này được chuyển xuống Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị. Bệnh nhân nhiều nên bình quân hằng tháng, chị Liên và đồng nghiệp mỗi người trực từ 8 đến 10 buổi. Mỗi ca trực họ được nhận thêm 25.000 đồng. Thời gian dành cho gia đình ít, công việc đầy ắp và chịu nhiều áp lực từ phía gia đình bệnh nhân, trong khi đồng lương nhận được cuối tháng ít ỏi là nguyên nhân khiến một số nhân viên tại TT không mặn mà với công việc.

Treo giải thưởng tìm bác sĩ

Cần mang đến cho bé những nụ cười hạnh phúc như thế này khi đang điều trị bệnh.

Ngày 23-10-2006, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 94/2006 phê duyệt kế hoạch phát triển TT trở thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Liên Chiểu với tổng diện tích 13.000m2, nâng quy mô lên 150 giường với tổng kinh phí đầu tư khoảng 8 tỷ đồng. Dự kiến, công trình này sẽ được khởi công xây dựng đầu tháng 9-2008 và hoàn thành vào dịp cuối năm.
 
Theo ước tính, với 150 giường bệnh trong tương lai, TT phải cần thêm khoảng 20 bác sĩ và nhiều cán bộ y tế khác mới có thể đảm trách nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho địa bàn Liên Chiểu và vùng lân cận. Thời gian qua, với sự ra đời của nhiều bệnh viện tư như Bình Dân, Vĩnh Toàn, Hoàn Mỹ… đã treo mức lương và phụ cấp khá cao để thu hút nguồn nhân lực. Điều này khiến cho Ban lãnh đạo của các TT Y tế quận, huyện đành bó tay. Bác sĩ Phạm Phú Điềm cho biết: “Trước đây, Giám đốc TT đã từng treo giải thưởng 500.000 đồng cho những ai giới thiệu bác sĩ về công tác tại đây, nhưng chẳng có mộtlá đơn xin việc nào được gửi tới”. Chuyện mong bác sĩ đã có người ví von: Như “trời hạn mong mưa”.

Ngoài ra, sự điều động bác sĩ tuyến cơ sở về làm việc tại một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C cũng gây ra một số khó khăn trong công tác khám chữa bệnh trong thời gian chờ bàn giao người mới. Đó là chưa kể đến trường hợp nhiều bác sĩ bỏ việc để đầu quân vào một số bệnh viện tư với những mức lương hấp dẫn. Vậy làm thế nào để  TT Y tế quận, huyện thực hiện tốt chức năng khám và chữa bệnh tại địa phương, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến thành phố, Trung ương, đó là một bài toán cần nhiều lời giải trong giai đoạn hiện nay.

 

Bình quân có khoảng 400 bệnh nhân đến khám và chữa bệnh trong ngày. Ngoài số dân trên địa bàn quận khoảng 100.000 người, TT Y tế Liên Chiểu còn đảm trách luôn khu vực các xã Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Ninh thuộc huyện Hòa Vang, khoảng 60.000 công nhân tại các KCN và trên dưới 50.000 sinh viên đang học tập tại các trường đại học. Hiện TT đang cần 25 cán bộ y tế gồm bác sĩ, nữ hộ sinh, y sĩ, dược sĩ…

 

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.