.

Bánh Trung thu rẻ tiền và nỗi lo chất lượng

.

Trung thu năm nay, không chỉ các gia đình khó khăn, mà ngay cả một số cơ quan, hội đoàn thể, tổ dân phố… cũng tiết kiệm khi chọn mua bánh Trung thu “hàng chợ”. Đúng là “tiền nào của nấy”.

Lực lượng liên ngành mới chỉ kiểm tra các loại bánh Trung thu của các DN lớn, còn loại “trôi nổi” trên thị trường chưa được kiểm soát.

Không đắt tiền như bánh của các thương hiệu lớn, nhiều người đi chợ “đổ mắt” vào những chiếc bánh nướng, bánh dẻo trưng bày khá hấp dẫn. To có, nhỏ có, toàn những loại vừa trong tầm tay của người ít tiền. Bánh nướng hình con heo loại bằng 3 ngón tay chỉ 3 nghìn đồng/cái, bánh dẻo hình con cá chép kích cỡ tương đương chỉ 2-4 nghìn đồng/cái.

Các loại khác dù trọng lượng có hơn gấp đôi cũng không đắt là bao, chỉ 5-10 nghìn đồng/cái. Mấy chiều nay, dù chưa đến đêm rằm nhưng lượng người vẫn đông đúc ở các quầy bánh tại chợ Cồn, chợ Hàn. Chị bán hàng nhanh nhẹn tiếp thị: “Đủ loại bánh đó em, giá rẻ bèo hà, bánh chị mới lấy đó, hạn sử dụng từ một tới ba tháng lận”.

Rảo tới rảo lui, cuối cùng chúng tôi cũng mua vài chiếc bánh giá rẻ về dùng thử. Quả thật cầm những cái bánh đó, hẳn sẽ không khó để hình dung một công nghệ làm bánh siêu đơn giản. Những cái tên nghe khá lọt tai như Mỹ Hương, Long Mỹ, Thiên Anh, không hề ghi địa chỉ nơi sản xuất, hoặc có địa chỉ tại 175/1 Võ Văn Tần nhưng không biết ở thành phố nào (số điện thoại không có mã vùng) cứ như đánh đố người tiêu dùng.

Nhãn mác không rõ ràng, tên tuổi không đầy đủ là vi phạm phổ biến nhất (chưa kiểm định chất lượng) ở thị trường bánh Trung thu “bình dân” đến thời điểm này. Bánh ngoài vị ngọt, vị dầu, bẻ ra toàn bột, có loại không nhân, bên ngoài được gói bằng giấy ni lông sơ sài. Một vài khách hàng thắc mắc tại sao bánh dẻo lại “đổ mồ hôi” và có dấu hiệu ẩm mốc, chị bán hàng nói như mắng: “Tiền nào của nấy thôi, ưa bánh rẻ mà còn bày đặt chất lượng, muốn ngon thì tới mấy cửa hàng bánh Kinh Đô, Đức Phát mà mua, giá cả trăm ngàn đó”.

Các quầy bánh ở chợ, quầy nào cũng vậy, hộ kinh doanh thừa nhận mình bán bánh rẻ tiền, nhưng không nhận là hàng kém chất lượng. Chị Âu Thị T, kế toán một công ty ô-tô vận tải bỏ cả một buổi chiều làm việc để đi đặt bánh Trung thu tặng cho con em CBCNVC của đơn vị. Chị nói: “Mua mấy loại bánh này tiết kiệm được một khoản tiền lớn, nhưng vẫn không khỏi lo lắng chất lượng có bảo đảm an toàn hay không, rủi những cháu bụng yếu ăn các loại bánh này dễ ngộ độc. Nhưng vì…”.

Hậu quả của bánh kém chất lượng thì ai cũng thấy rõ, thế nhưng do vừa túi tiền nên nhiều người vẫn lựa chọn, trong khi cơ quan chức năng chưa công bố các nhãn bánh không đạt chất lượng hoặc chưa kiểm tra được hết, chưa có biện pháp xử lý những cơ sở sản xuất bánh “chui”. Từ đầu tháng 9 đến nay, đoàn kiểm tra Sở Y tế mới đưa ra mẫu bánh giả nhãn hiệu Thanh Tâm, còn những bánh khác hiện nay vẫn chưa được kiểm soát trên thị trường.

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng, người dân có quyền làm đơn khiếu kiện những công ty, cơ sở sản xuất bánh không bảo đảm chất lượng, gây nguy hại cho người tiêu dùng… để đòi bồi thường. Vậy nhưng với những loại bánh không có nguồn gốc rõ ràng, người tiêu dùng biết kiện ai? Ngày rằm cận kề, người tiêu dùng hãy nói “không” với những loại bánh không rõ nguồn gốc để có một Tết Trung thu an toàn.

Bài và ảnh: XUÂN DUYÊN

;
.
.
.
.
.