.

Bất cập trong kinh doanh tân dược

.

Theo quy định, muốn mở cửa hàng dược, nhà thuốc, phải có bằng đại học dược, nếu không, người kinh doanh phải là nhân viên hoặc có “chỗ đứng” tại Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Đà Nẵng (Daphaco) mới có “đủ điều kiện” kinh doanh các mặt hàng tân dược.

Giá thuốc mỗi nơi một khác.

Chị K., chủ một cửa hàng kinh doanh thuốc tây trên đường Lê Duẩn cho biết: “Do không có bằng đại học, với lại bây giờ giá thuê bằng đại học dược rất cao, ít nhất cũng phải 4 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, do địa thế không thuận lợi nên chỉ kinh doanh theo kiểu làm cửa hàng bán thuốc lẻ cho Daphaco. Tuy đơn vị này tạo nhiều thuận lợi cho các cửa hàng bán thuốc lẻ, nhưng lại khống chế về doanh số và định mức bán hàng”.

Cũng như nhiều cửa hàng bán lẻ tân dược trên địa bàn thành phố, cửa hàng chị K. được khoán doanh số bán hàng 16,2 triệu đồng/tháng và đã tính luôn mức thuế GTGT 20%. Nếu tháng nào bán không đạt doanh số, cửa hàng phải chịu phạt theo quy định do Daphaco đề ra. Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo của các cửa hàng dược cũng được quản lý khá chặt, cửa hàng nào muốn quảng cáo nhãn hiệu thuốc khác, không phải thuốc của công ty, đều phải đặt dưới sự kiểm soát của Daphaco, và để được sự đồng ý quảng cáo, nhiều vấn đề “tế nhị’ đã xảy ra.

Do cách quản lý của Daphaco nên giá bán nhiều loại tân dược không đồng nhất, nhiều cửa hàng bán giá thuốc của công ty cao hơn, có loại lại thấp hơn thị trường, và còn tùy vào cách kinh doanh của chủ cửa hàng. Nhiều cửa hàng kinh doanh tân dược cho biết, giá bán niêm yết như vậy, nếu bán theo giá của Daphaco đưa ra quá cao so với giá trên thị trường rất dễ mất khách. Do vậy nhiều cửa hàng dược đã phải “linh động”, bán thuốc với giá thấp hơn và lấy số đông làm lãi.

Vì vậy cũng dễ hiểu tại sao cùng một liều thuốc đau bụng hoặc liều thuốc cảm, giá bán tại các cửa hàng dược mỗi nơi mỗi khác. Hộp thuốc Canxi corbie của công ty giá niêm yết 100 nghìn đồng nhưng thực tế bán trên thị trường 85 nghìn đồng. Hộp thuốc Orrepaste giá bán của công ty 31.800 đồng, nhưng thực chất các cửa hàng bán chỉ với giá 29 nghìn đồng. New. V.rohto (thuốc nhỏ mắt) giá công ty 36.750 đồng nhưng giá bán trên thị trường là 33 nghìn đồng. Thuốc bổ trẻ em Unikids 100ml giá bán niêm yết công ty là 38.500 đồng, thực chất bán tại các cửa hàng là 34 nghìn. Thuốc Lactacid 250ml BB (sữa tắm em bé) giá niêm yết 49.200 đồng nhưng bán chỉ khoảng 42 nghìn đồng...

Vì sao giá thuốc niêm yết của Daphaco cao nhưng các cửa hàng dược đều phải chấp nhận? Nhiều cửa hàng thuốc cho biết là họ bị “chèn ép”, do không có bằng đại học dược, hơn nữa do quy mô kinh doanh nhỏ nên không thể lên nhà thuốc. Hiện nay thị trường bán lẻ tân dược cạnh tranh rất gay gắt. Nhiều cửa hàng muốn “lên” nhà thuốc nhưng do tiền thuê mặt bằng quá cao, và phải đóng rất nhiều thứ tiền nên họ đành chấp nhận là thành viên của Daphaco.
 
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến giá thuốc chênh lệch trên thị trường. Nhiều cửa hàng thuốc bán đúng giá niêm yết của công ty nhưng không có lãi, do cạnh tranh trên thị trường, tiền thuê mặt bằng cao. Chủ một cửa hàng thuốc bức xúc: “Lương 1,1 triệu đồng của công ty trả cho tôi, trong khi đó tôi phải bán thuốc với giá cao chênh lệch 20%. Muốn có lãi, chúng tôi phải bán số lượng nhiều, lượng thuốc lấy ngoài công ty lên đến 60%”.

Hiện nay, thị trường thuốc tây rất khó kiểm soát, mặc dù Thanh tra ngành Y tế thường xuyên kiểm tra và phạt các cửa hàng kinh doanh vi phạm. Có khoảng gần 3 nghìn mặt hàng thuốc tây trên thị trường, trong đó, chiếm đến 80% là thuốc ngoại nhập.
 
Đối với những mặt hàng thuốc tây nhập khẩu, mặt hàng sau khi Daphaco đã tính chiết khấu giá thuốc còn đỡ, còn đối với các loại thuốc không có chiết khấu, công ty hưởng 3%, cộng với nâng giá thuốc 20% theo định mức công ty, đã đẩy giá thuốc tăng cao, các cửa hàng bán lẻ “lãnh đủ”. Với những vấn đề trên, không biết cho đến khi nào giá thuốc trên thị trường mới bình ổn?!

Bài và ảnh: TRẦN MINH TUẤN

;
.
.
.
.
.