.
CHẤT MELAMINE TRONG SỮA:

Các bà mẹ lung lay niềm tin

.

Dĩ nhiên, các bà mẹ “loại” sữa Trung Quốc ra khỏi danh mục khi đi chọn sữa cho con, nhưng sữa Mỹ, sữa Úc, sữa Malaysia, thậm chí sữa Việt Nam cũng không phải là những thương hiệu hoàn toàn đủ độ tin cậy trong thời điểm này.

 (Ảnh minh họa)

Nhiều bà mẹ cho biết, dù sữa con họ đang uống hiện tại không nằm trong danh sách “đen”, nhưng không thể yên tâm khi cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm nghiệm tới đâu phát hiện ra độc tố tới đó. Có những bà mẹ tâm lý hoang mang nên đổi sữa xoành xoạch. Một số người nghĩ luôn tới chuyện… tạm thời cắt uống sữa.

Melamine là chất gì, nhiều bà mẹ không rõ. Nhưng họ cứ bị ám ảnh cái chất có tên Melamine có trong sữa gây sạn thận cho trẻ em. Chị Thanh, 30 tuổi, có con gái hơn 2 tuổi nói: “Mỗi ngày tôi đều gửi một hộp sữa đến nhà trẻ cho cháu. Gửi cả hộp lớn sợ người ta tự ý đổi sữa. Gửi một hộp nhỏ cũng không yên tâm.

Giờ cái lo lớn nhất là không biết mai mốt thứ sữa con mình đang uống có bị phát hiện Melamine không nữa”. Chị Thu Ba (Hòa Minh, Liên Chiểu) cho biết: “Chừ mà hỏi sữa tôi mua cho con có độc không thì… chịu. Dù cháu cũng uống sữa này, sữa nọ nhưng tôi vẫn cứ lo”. Chị Nguyễn Thị Tấn (đường Trần Cao Vân, Thanh Khê) lại có “sáng kiến”: “Chắc trở lại cái thời rang đậu làm ngũ cốc cho trẻ sơ sinh bú. Có khi vậy lại mập, khỏe, chẳng lo ai bỏ chất gì”.

Ông Trương Quốc Khanh, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng khuyến cáo các bà mẹ: “Không nên dừng cho trẻ uống sữa vì khẩu phần thực phẩm bị thiếu hụt sẽ gây ra tình trạng suy dinh dưỡng. Nếu không cho uống sữa, phải thay bằng thực đơn khác để bù chất cho trẻ. Các bà mẹ cần cập nhật liên tục thông tin về sữa bị phát hiện có chất Melamine”.

Cũng theo ông Khanh: “Việc đánh giá chỉ tiêu vitamine, các dưỡng chất trong sữa rất tốn kém, thường mỗi mẫu tốn trên 10 triệu đồng và phải gửi vào thành phố Hồ Chí Minh làm. Vì thế không loại trừ nhiều nhãn sữa “cóp” qua “cóp” lại chứ thực sự không hẳn đó là những chỉ số đã qua kiểm nghiệm. Về nguyên liệu, trên nhãn phải ghi theo thứ tự nguyên liệu nhiều ghi trước, ít ghi sau. Về phụ gia thì có bao nhiêu phải liệt kê hết bấy nhiêu.

Vì thế, tốt hơn hết là người đi mua sữa nên tạo thói quen kiểm tra nhãn mác thật kỹ. Nhãn mác trên sữa gồm 8 nội dung: tên hàng hóa, tên và địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm chính, khối lượng hoặc thể tích, thành phần nguyên liệu và chất phụ gia, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa. Đối với sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi phải có thêm số chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm”. 

 

Mua đậu nành nấu sữa cũng lo Sợ sữa bột nhiễm độc, các bà mẹ nghĩ tới sữa đậu nành vốn rẻ hơn mà lại được nấu thủ công nên đỡ sợ. Thế nhưng, đậu nành cũng có đậu nành… Trung Quốc.
 
Phổ biến trên thị trường hiện nay là đậu nành Trung Quốc (20.000đ/kg) và đậu nành Buôn Mê Thuột (16.000đ/kg). Theo những người buôn bán, dù đậu nành Trung Quốc có giá đắt hơn nhưng được ưa chuộng vì nhìn đẹp mắt, nấu ra sữa nhiều hơn. Cách phân biệt: đậu Trung Quốc có màu trắng hơn và vỏ sạch hơn đậu Buôn Mê Thuột.

 

THU HOA

;
.
.
.
.
.