Bộ Y tế cho biết, các thành viên của Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP đã thống nhất hướng xử lý là thu hồi và tiêu hủy tất cả các sản phẩm sữa nhập khẩu thuộc danh sách 22 nhãn sữa nhiễm chất melamine gây sạn thận đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông báo.
QLTT lấy mẫu trưng cầu giám định phẩm chất số sữa thu được. Ảnh: PHƯƠNG ANH |
Để bảo đảm nguồn sữa sử dụng trong các trường học an toàn, không nguy hại cho sức khỏe học sinh và trẻ em, ngày 25-9, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP thành phố đã có công văn đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp Sở Y tế thực hiện việc kiểm tra, đánh giá công tác bảo đảm VSATTP theo quy định của Bộ Y tế cho toàn bộ các căng tin trường THCS, nhà ăn, bếp ăn tập thể tại các trường tiểu học bán trú, mầm non và nhóm trẻ gia đình trên địa bàn thành phố.
Tập trung kiểm tra nguồn gốc sữa, nguyên liệu chế biến sữa và sữa chua được sử dụng trong bữa ăn của các cháu học sinh. Nghiêm cấm việc sử dụng và chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ 22 doanh nghiệp sản xuất chế biến sữa của Trung Quốc có melamine, đồng thời thu hồi ngay các loại sữa không có nguồn gốc, xuất xứ, không có đơn vị nhập khẩu và nhãn phụ bằng tiếng Việt. Hiệu trưởng các trường mầm non khi phát hiện những trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, cần kiểm tra kỹ để phát hiện sỏi thận hoặc suy thận cấp và cần báo ngay về phòng nghiệp vụ Y thuộc Sở Y tế thành phố theo số điện thoại 0511. 3821468 để phối hợp điều tra, giải quyết.
Trưng cầu giám định chất lượng 1 tấn sữa nhập khẩu
Sáng ngày 25-9, lực lượng Quản lý thị trường Đà Nẵng phát hiện tại Công ty TNHH TM&DV Thủ Đô (KCN An Đồn) 30kg sữa bột có nhiều dấu hiệu phức tạp về xuất xứ. Theo giải trình của Công ty Thủ Đô, số sữa trên nằm trong 200kg sữa mà Công ty này đã mua từ Công ty TNHH MTV Lê Thanh Chung (16 Đỗ Thúc Tịnh, TP. Đà Nẵng).
Trước đó, 170/200 kg sữa đã được chế biến thành kem mang nhãn hiệu Thủ Đô. Tại Công ty Lê Thanh Chung, lực lượng chức năng phát hiện hóa đơn thanh toán cho 1.000 kg sữa cùng chủng loại. Số sữa đựng trong bao bì có in chữ Thái Lan này được nhập về Việt Nam thông qua Công ty cổ phần Hóa chất Á Châu (TPHCM). Theo hồ sơ, Công ty Lê Thanh Chung không có chức năng kinh doanh về sữa. Hiện, Chi cục QLTT đã lấy mẫu trưng cầu giám định phẩm chất số sữa thu được.
Phát hiện vụ dùng bột sữa không rõ nguồn gốc
Sau khi bị phát hiện dùng sữa bột không rõ nguồn gốc để pha trà sữa và làm kem, chiều 25-9, tiệm 82 Nguyễn Chí Thanh vẫn đông khách như thường! |
Ông Trương Quốc Khanh, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng thành phố) cho biết: “Tỷ lệ sữa có trong trà sữa trân châu rất lớn. Trước mắt, đoàn kiểm tra thu hồi số sữa bột và bột màu trên”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, chiều 25-9, tiệm trà sữa số 82 Nguyễn Chí Thanh vẫn hoạt động bình thường, khách ra vào liên tục. Tại các tiệm trà sữa trân châu khác trên trục đường Nguyễn Chí Thanh, khách hàng đa số là học sinh cấp 2, cấp 3, kéo từng nhóm vào tiệm, vô tư uống trà sữa và không mảy may quan tâm thức uống được pha chế từ cái gì, có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu, có tác hại gì đến sức khỏe không.
Trong menu của các quán, có gần 60 loại trà sữa, hồng trà, và hàng chục loại kem, với giá 5.000 - 17.000 đồng/1 ly. Nhân viên giữ xe của tiệm trà sữa số 86 Nguyễn Chí Thanh khoe: “Ngày nào cũng đông. Quán có cả bằng chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nữa mà”. Theo người phục vụ, trà sữa làm từ sữa bột, và thêm vào chất tạo mùi hương để cho ra trà sữa trân châu hương me, nho, chocolate, vani, sầu riêng...
Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 20 tiệm kem tươi và trà sữa trân châu ở các tuyến đường Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Lương Bằng...
VIỆT DŨNG, PHƯƠNG ANH, HOA - VANG