.

Khoai tây

.

Tên khoa học: Solanum tuberosum L, thuộc họ cà: Solanaceae, khoai tây có nguồn gốc ở vùng núi Nam Mỹ (Chilê, Pêru), sau đó phát triển sang châu Âu và khắp thế giới. Là loại cây sống lâu do củ với những thân ngầm. Thân thẳng cao 30-80cm, lá kép xẻ lông chim. Hoa tím hay trắng, mọc thành xim. Quả mọng hình cầu, xanh hoặc tím nhạt, chứa nhiều hạt nhỏ hình thận.

Củ khoai tây chứa 78% nước, 1% muối vô cơ, 15-20% là tinh bột, kèm một ít đường khử, sacaroza và pectin. Toàn cây có chứa chất Solanin. Trong khoai tây còn chứa rất nhiều men: Amylaza, sucraza, oxydaza… vitamin B1, B2, C.

Khoai tây chủ yếu được dùng làm lương thực, chế tinh bột, dùng trong công nghiệp chế cồn, hồ giấy, hồ vải, công nghiệp dược phẩm. Trong Đông y, củ khoai tây có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ khí, kiện tỳ, tiêu viêm. Củ khoai tây chữa khó tiêu, đau bụng, viêm loét dạ dày, viêm tuyến nước bọt, say nắng, sốt, bỏng nhẹ, eczema, vết thương. Liều dùng: 10-30g/ngày.

Hoa khoai tây chữa bệnh tăng huyết áp và là nguyên liệu chiết rutin để chữa bệnh. Solanin dùng làm thuốc giảm đau, chữa đau bụng, đau gan, đau nhức khớp xương. Dùng với liều 0,05-0,20g/ngày, dưới dạng thuốc viên, thuốc gói hay thuốc tiêm. Chú ý, không ăn khoai tây mọc mầm, dễ bị ngộ độc.

DS. NGUYỄN VĂN LONG

;
.
.
.
.
.