.

Những khó khăn bà mẹ thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nuôi con bằng sữa mẹ làm tăng tình cảm gắn bó của mẹ và con, cung cấp cho bé nguồn dinh dưỡng quý giá và một số kháng thể có trong sữa mẹ giúp trẻ chống lại một số bệnh thường gặp như tiêu chảy,  dị ứng… Tuy nhiên, trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, bà mẹ có thể gặp một số khó khăn mà gia đình và mẹ cần biết để xử lý đúng cách.

1- Sau sinh vú mẹ căng tức sữa và đau?

Nguyên nhân: Khi sữa bắt đầu “xuống”, hai bên vú có cảm giác căng cứng. Đôi khi sữa vẫn thoát ra mà vú vẫn bị đau vì ứ sữa. Vú trông căng bóng vì các mô vú bị ứ sữa.

Xử lý: Cho con nằm cạnh mẹ suốt ngày đêm và cho bú thường xuyên, bú sớm ngay sau khi sinh, nếu bé chưa bú được thì cố gắng tập bé bú hoặc vắt sữa mẹ ra cho bé  uống bằng ly và muỗng. Vắt sữa nhiều lần nếu thấy cần thiết để tránh ứ sữa. Đồng thời đắp khăn ấm lên vú, xoa nhẹ chung quanh bầu vú. Một số trường hợp mẹ có thể bị sốt nhẹ khi căng tức sữa nhiều nhưng thường khỏi nhanh sau khi sữa được lưu thông nhờ đắp ấm, xoa bóp, cho bú và vắt sữa. Nếu mẹ làm như trên mà vẫn nóng sốt trên hai ngày thì cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

2- Đau núm vú khi cho bé bú:

Nguyên nhân: Thường gặp nhất là do bé bú không đúng tư thế, không ngậm hết quầng vú vào miệng mà chỉ mút ở núm vú. Lúc này, núm vú trông bên ngoài có thể vẫn bình thường.

Xử lý: Không cần thiết phải ngừng cho bé bú bên vú bị đau. Mẹ cần xem lại tư thế bú và sửa đổi lại cho đúng. Khi bú xong, để cho bé tự nhả vú, cũng như khi muốn ngưng cho bé bú thì không nên rút vú ra ngay mà mẹ nên nhẹ nhàng đưa một ngón tay vào miệng bé, để bé không ngậm chặt vú nữa thì mới rút vú ra.

Nếu rút vú khi bé đang ngậm chặt sẽ gây ra trầy xước và nứt núm vú. Khi bị nứt núm vú, mẹ không nên rửa núm vú bằng xà bông mỗi lần cho bú, không nên bôi kem hoặc bôi thuốc vào đầu vú, sẽ không có tác dụng gì mà vú còn dễ bị nhiễm bẩn hơn. Sau khi đã làm những việc trên mà đau núm vú kéo dài cả tuần, nên xem trẻ có bị tưa, nấm ở lưỡi miệng của bé không. Nếu có, cần đi khám để được các bác sĩ hướng dẫn điều trị  nấm lưỡi cho bé.

3- Mẹ bị nứt núm vú:

Nguyên nhân: Do bé ngậm vú mẹ chưa tốt, cũng như khi mẹ rút vú quá nhanh trong khi bé đang ngậm chặt vú đều có thể làm tổn thương da vú, gây nứt núm vú. Nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến viêm vú hay áp xe vú. Viêm vú càng dễ xảy ra nếu trẻ ngưng bú và sữa không được thoát ra.

Xử lý: Sửa lại tư thế bú, tiếp tục cho bé bú mẹ bắt đầu ở bên vú không đau, cố gắng để thoáng vú càng nhiều càng tốt. Sau khi cho bú xong, bôi sữa mẹ lên chỗ vú nứt sẽ giúp da mau lành. Nếu mẹ không thể tiếp tục cho trẻ bú vì đau nhiều hoặc đau cả hai bên, cần phải vắt sữa thường xuyên bằng tay hay bằng dụng cụ hút sữa, cho uống bằng ly, cốc hoặc bằng muỗng. Khi bớt đau thì cho bé bú lại ngay.

4- Bé tăng cân ít có phải do sữa mẹ “nóng” không?

Nguyên nhân: Nếu mẹ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần thoải mái thì sữa mẹ hoàn toàn đầy đủ chất dinh dưỡng. Bé tăng cân ít có thể do bé không hấp thu hay bị bệnh (viêm phổi, tiêu chảy...), hoặc do mẹ cho bé bú không đủ 8 lần trong ngày và không cho bú vào ban đêm. Như vậy, bé sẽ không nhận được đủ sữa và chậm tăng cân.

Xử lý: Tốt nhất nên cho bú mẹ thường xuyên 8 đến 10 lần/ngày và bú cả vào ban đêm. Cho bé bú như vậy một vài ngày sau lượng sữa mẹ sẽ tăng lên và bé sẽ lên cân, cho bé bú  đủ thời gian trong mỗi cữ bú vì ở cuối cữ bú sữa mẹ chứa nhiều chất béo, do vậy nếu cho bé bú quá nhanh bé không tận hưởng được nguồn chất béo quý giá này vì vậy bé thấy đói và bú nhiều hơn nhưng không lên cân. Vì vậy nên cho bé bú lâu ở mỗi vú trong mỗi cữ bú, bú hết vú này mới chuyển sang vú kia cho đến khi trẻ tự nhả vú.

5- Bé không chịu bú mẹ

Nguyên nhân: Đây là điều làm các bà mẹ rất lo lắng và dễ bỏ bú bé sớm. Thực ra bé không chịu bú mẹ thường do một số thay đổi  làm bé khó chịu như bé bị  tưa, nấm lưỡi, bé mọc răng, bé bị ngạt tắc mũi...

Xử trí: Mẹ phải luôn gần gũi với bé. Nên kiên nhẫn tiếp tục cho bú, kiểm tra miệng bé và đến bác sĩ để được hướng dẫn điều trị nấm lưỡi bằng Nystatine. Nếu bé bị ngạt mũi mẹ làm thông mũi bé bằng cách nhỏ nước muối sinh lý và hút mũi bằng miệng, giữ ấm trẻ. Bà mẹ nên cho trẻ bú những lần bú ngắn và bú nhiều lần hơn bình thường. Khi trẻ bị bệnh, nếu trẻ không thể bú được thì mẹ vắt sữa ra ly, chén và cho trẻ ăn bằng muỗng.
 
Khi cho bé bú nếu tia sữa quá mạnh làm bé ngộp, sặc thì mẹ phải dùng hai ngón tay trỏ và giữa đặt trên và dưới núm vú, kẹp nhẹ lại để giảm bớt lượng sữa chảy ra. Nếu sữa mẹ quá nhiều, có thể vắt bớt sữa đầu ra ly, cho bú hết sữa cuối trước rồi cho uống phần sữa trong ly sau nếu bé còn uống được. Tránh sử dụng bình và đầu vú cao su vì có thể làm bé bỏ bú mẹ sau này.

6- Cho bé bú như thế nào khi mẹ đi làm trở lại?

Một trong những lý do thường gặp làm mẹ không thể cho con bú là khi mẹ phải đi làm. Mẹ cần chủ động thu xếp thời gian của mình để có thể tranh thủ cho con bú.

Cho bé bú sữa mẹ càng lâu càng tốt. Không nên nghĩ rằng vì phải làm việc lại, cần phải cho bé bú bình với ý định tập cho quen dần với thức ăn nhân tạo. Trước khi trở lại làm việc 2-4 ngày, mẹ nên dành thời gian để hướng dẫn cho người thân hay người giúp việc cách cho ăn và chăm sóc bé. Mẹ nên tranh thủ cho bé bú sữa mẹ vào ban đêm, sáng sớm và bất cứ lúc nào ở nhà, sẽ giúp duy trì lượng sữa mẹ.

Như vậy bé sẽ nhận được thêm sữa mẹ ngay cả khi bắt đầu cho ăn bổ sung. Vắt sữa trước khi mẹ đi làm và để lại cho người nhà cho bé uống bằng ly. Nên thu xếp thời gian để vắt sữa, có thể cần thức dậy sớm hơn nửa giờ để kịp vắt sữa và cho bú. Cho trẻ bú ngay khi trẻ thức dậy, sau đó mẹ ăn uống nghỉ ngơi và vắt càng nhiều sữa càng tốt vào trong ly sạch có miệng rộng. Đậy ly sữa bằng một tấm vải sạch hay đĩa sạch và để ở nơi mát hay trong tủ lạnh.
 
Sữa mẹ có thể để lâu hơn sữa bò vì có chất chống nhiễm khuẩn. Không cần phải hâm nóng sữa trước khi cho bé uống. Nếu không vắt sữa thường xuyên, lượng sữa sẽ giảm. Vắt sữa giúp cho mẹ được thoải mái và bớt chảy sữa. Có thể vắt sữa ở nơi làm việc, cho vào bình sạch có nắp đậy mang theo và đem về nhà cho bé bú. Nếu không thể bảo quản, mẹ có thể tận dụng để uống hoặc bỏ đi, sữa sẽ lại được tiết ra. Nhiều bà mẹ vẫn tiếp tục cho con bú sữa mẹ trong khi họ phải làm việc cả ngày và bé vẫn khỏe mạnh.

Bs. THU THỦY

;
.
.
.
.
.