.

Nơm nớp lo chất lượng sữa ngoại

.

Tâm lý “sính” sữa ngoại của người dân trong nước giờ ít nhiều đã thay đổi khi Trung Quốc công bố danh sách “đen” hàng chục loại sữa gây hại đối với trẻ em. Dù chưa rõ “mô tê”, nhưng thị trường sữa ngoại có vẻ chùng hẳn xuống...       

Nóng chuyện sữa Trung Quốc

Thị trường sữa ngoại nhập sẽ được thắt chặt hơn sau “sự cố” sữa SanLu. (ảnh minh họa)

Những ngày gần đây, các hộ kinh doanh quầy hàng sữa ở chợ Cồn luôn miệng bàn chuyện sữa. Một người nói: “Không  biết sau sữa Trung Quốc sẽ tới loại sữa nào nữa đây”. Người khác tỏ vẻ nghi ngờ: “Không kiểm tra thì thôi, chứ đã kiểm tra thì thế nào cũng có vài hãng bị “dính”. Phía khu vực đường nội bộ chợ Cồn có một chiếc dù lớn, đủ che chiếc bàn phục vụ miễn phí sữa Anlene. Khi nhân viên tiếp thị hãng sữa mời mọi người cùng dùng thử thì một bà già đi ngang qua chép miệng: “Uống rồi có bị như sữa Trung Quốc không, hả cô?”.

Tại Trường Mầm non 20 tháng 10 (Hải Châu), hai phụ huynh đưa con vào lớp, vừa quay ra trò chuyện: “Chị đã nghe tin ở Trung Quốc, trẻ con uống sữa bị sỏi thận chưa, không biết ở mình có sữa nớ không hè?” Cũng như câu chuyện của hai phụ huynh nói trên, nhiều bà mẹ có con uống sữa đang bàn luận sôi nổi về câu chuyện thời sự: Hàng trăm trẻ em Trung Quốc bị sỏi thận do sữa SanLu. Hàng loạt các câu chuyện xoay quanh một chủ đề hết sức rối vì... sữa.

Người mua nói sợ, người bán nói lo

Sau sự cố sữa SanLu (Trung Quốc), người tiêu dùng Việt Nam có cái nhìn khác hơn về sữa ngoại. (ảnh minh họa)

Ngay trong sáng ngày 17-9, chúng tôi trong vai người đi mua sữa bột ký đóng gói trong bao nilông loại lớn cỡ 5-10kg (loại vẫn thường bán cho người mua sỉ). Sau khi đưa ra một số loại trong nước sản xuất như Vinamilk..., chúng tôi yêu cầu lấy thêm nhiều loại khác của Trung Quốc giá rẻ (sữa bột của Vinamilk loại 1/2kg giá 15.000 đồng), các tiểu thương đều lắc đầu không có hàng. Dường như thông tin về sữa Trung Quốc đang làm cho người bán sữa có vẻ dè dặt khi người mua đặt vấn đề. Chị Lam, một người nội trợ loay hoay bên hàng sữa tại đình 3, chợ Cồn hỏi chuyện người bán: “Đúng là lâu nay mình chỉ tin vô sữa ngoại vì họ quảng cáo là giúp trẻ thông minh, mau lớn, chừ  thấy rứa mà sợ”.

Không riêng người bán, những phụ huynh có con em uống sữa đều lo ngại. Trước cổng Trường tiểu học Lê Lai, chị Thúy đang chờ  đón con, khi được chúng tôi gợi chuyện nói vui: “Lâu nay vẫn cho con uống sữa lon, nhưng chị hay đổi sữa thường xuyên, hết Dielac Anpha tới Dulac Gold, rồi X.O của Hàn Quốc, mà mấy nhãn chữ Hàn Quốc, Trung Quốc thì hơi giống nhau, đôi khi chị cũng không để ý mấy”.

Thông tin về việc Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế địa phương tiến hành kiểm tra chất lượng các loại sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, khiến nhiều người bán không khỏi lo. Chị Thanh, có quầy sữa tại chợ Cồn giải thích: “Không phải lo đoàn kiểm tra phát hiện bán sữa không đạt chất lượng, mà chỉ lo người tiêu dùng hiểu nhầm chất lượng các loại sữa mà không mua. Chắc sau đợt này, doanh thu bán sữa trong tháng sẽ giảm”.
 
Được biết, lần kiểm tra này ngành chức năng sẽ tập trung kiểm tra nhãn mác, tem nhập khẩu, thành phần bao bì các loại sữa ở chợ. Một cán bộ ngành thương mại phân vân: Liệu lần kiểm tra này có phản ánh đúng thực tế thị trường sữa ngoại nhập ở thành phố chúng ta? Với cách “báo trước” như vậy, liệu người bán sữa có chưng hàng ra công khai để cho kiểm tra hay cất đi chờ dịp khác bán?

Giá cả cũng như chất lượng các sản phẩm sữa luôn là đề tài được  đông đảo người tiêu dùng quan tâm, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa có được thông tin đầy đủ. Trong khi đó, các cơ quan chức năng mới chỉ thực sự “nhập cuộc” kiểm tra theo từng đợt và rồi qua mỗi đợt lại đâu vào đó.

Bài và ảnh: XUÂN DUYÊN

;
.
.
.
.
.