.

Sinh mổ – khổ hay sướng?

.

Nhiều người vẫn lầm tưởng có thể sinh mổ theo yêu cầu. Tức là muốn giữ dáng, muốn sinh rẹt rẹt cứ việc nói bác sĩ một tiếng! Thực tế chuyện sinh mổ hay sinh thường đều do bác sĩ hoàn toàn quyết định. Người nhà có “đòi” cũng đành chịu.

Nằng nặc xin được mổ

Chỉ có bác sĩ mới quyết định cho bé chào đời bằng cách mổ hay sinh thường.
Có hàng tá lý do để sản phụ và gia đình yêu cầu bác sĩ thực hiện theo ý mình: Sinh mổ để bảo đảm thẩm mỹ cho “vùng G” sau khi sinh, không ảnh hưởng đến chuyện gối chăn, sợ rối loạn tình dục, kể cả... sinh cho đúng ngày giờ “vàng” như thầy bói phán để “con có đời sống vương giả, sung sướng, giàu sang”.

Vì quan niệm sai lầm, nhiều sản phụ, dù bản thân đủ sức khỏe cho việc sinh thường vẫn nằng nặc xin bác sĩ được sinh mổ. Thạc sĩ – Bác sĩ Ngô Đình Vinh, Trưởng khoa Phụ sản – Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, gặp những trường hợp trên, các bác sĩ trực sinh thường “toát mồ hôi hột” giải thích, thậm chí đích thân lãnh đạo bệnh viện phải xuống tận nơi, nói cho tận tường. Không ít lần, người nhà sản phụ chỉ thẳng vào mặt các bác sĩ, hăm: “Vợ tôi có chuyện chi, tôi giết hết mấy ông!”. Theo bác sĩ Vinh, trực sinh vốn đã căng thẳng, nếu gặp những ca thiếu hiểu biết như vậy, áp lực càng nặng nề.

Tuy nhiên, qua khảo sát nhiều sản phụ đã sinh mổ ở Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Bình Dân, chúng tôi nhận thấy, đa số bà mẹ chỉ sinh mổ vì bất đắc dĩ: “Huyết áp cao cấp tính, phải cấp cứu, mổ khẩn cấp, chứ tôi vẫn thích sinh thường hơn”, sản phụ Nguyễn Thị Thu Thủy (Quế Châu, Quế Sơn, Quảng Nam), mới sinh con 3 ngày ở Bệnh viện Đà Nẵng giải thích. Luôn mong mang lại cho cục cưng của mình những gì tốt đẹp nhất, nhiều bà mẹ dù trong cơn nguy kịch vẫn muốn sinh thường. Như sản phụ Trần Thu Hương (khu chung cư Hòa Minh mở rộng, quận Liên Chiểu) sinh tại Bệnh viện Bình Dân, bị vỡ nước ối làm cả gia đình hốt hoảng, chị vẫn quyết “rặn” cho kỳ được. Đến lúc nguy cấp quá mới chịu cho mổ thì mẹ tròn con vuông.

Tỷ lệ sinh mổ chiếm 28 – 31% tổng số ca sinh

“Tỷ lệ sinh mổ tăng cao không chỉ là xu hướng tại thành phố Đà Nẵng hay tại Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu”, bác sĩ Vinh nói. Mỗi ngày, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận trung bình 10 – 15 ca sinh mổ, trong khoảng 40 – 45 ca sinh. Theo các bác sĩ, hiện nay tỷ lệ sinh mổ chiếm 28-31% tổng số ca sinh trên toàn thành phố.

Việc chăm sóc sức khỏe sau sinh mổ phức tạp hơn nhiều so với sinh thường (Trong ảnh: Một sản phụ nằm dưỡng sức sau cuộc “vượt cạn” bằng biện pháp mổ lấy thai ở Bệnh viện Đà Nẵng).


Càng ngày, càng có nhiều ca phải sinh mổ vì con to. Bác sĩ Vinh cho biết, đó là do thai nhi thừa dinh dưỡng nên to vượt mức bình thường. Thông thường với con so (con đầu lòng), cân nặng trên 3,5kg phải sinh mổ. Số trẻ sơ sinh có cân nặng dao động khoảng 4kg chiếm số lượng khá nhiều. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất là điều cần thiết để bảo đảm sự phát triển của thai nhi, nhưng bồi dưỡng quá mức sẽ dẫn đến tình trạng thừa dinh dưỡng. Kết quả là thai to, mẹ không thể sinh thường. Bên cạnh đó, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán thai kỳ như siêu âm dự đoán cân nặng, đo tim thai… đã giúp bác sĩ có thể can thiệp kịp thời bằng cách mổ lấy thai để bảo đảm sự an toàn cho cả mẹ và bé.

Trái với quan điểm nhiều người cho rằng sinh mổ “khỏe” hơn, tất cả những sản phụ từ phòng sinh mổ bước ra đều lắc đầu: “Chăm sóc sức khỏe sau sinh cực kỳ khó”. Vì sợ vết mổ toác, hoặc gây đau, họ phải thật cẩn trọng trong đi đứng, nằm ngồi. Người nhà sản phụ Lê Thị Nhăn (công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh), nằm tại Bệnh viện Đà Nẵng, sinh mổ do cổ tử cung không mở được, cho biết: “Phải tập đi lại cho khỏi dính ruột, nhưng đi rất khó.

Xông hơ cũng không dễ, không dám hơ vùng bụng vì sợ nhiễm trùng”. Mọi sản phụ đều thừa nhận, sự lo lắng sau sinh, chi phí sinh đẻ đều nhiều hơn gấp hai lần sinh thường. Chưa kể một số phiền toái khác sẽ gặp phải như: Sau sinh từ 1 năm rưỡi (khi vết mổ đã hoàn toàn bình thường – P.V) mới được mang thai lại, sợ vết mổ nhiễm trùng, v.v... Bác sĩ Vinh khẳng định: “Theo dõi ca sinh thường mất thời gian và phức tạp hơn sinh mổ nhiều, nhưng chúng tôi vẫn chỉ định cho sản phụ: sinh thường là tốt nhất”.

 
Sinh mổ là do bác sĩ quyết định

Có hai nhóm nguyên nhân tuyệt đối và nguyên nhân tương đối dẫn đến việc sinh mổ. Trường hợp buộc phải sinh mổ (nguyên nhân tuyệt đối) là mẹ có khung chậu hẹp, lệch; tiền sản giật, sản giật hoặc bị bệnh toàn thân như bệnh tim, phổi mãn tính. Mẹ mắc phải các chứng bệnh này, bác sĩ sẽ không cho chuyển dạ mà can thiệp bằng cách mổ lấy thai.

Những lý do tương đối dẫn đến quyết định mổ: Đang chuyển dạ nhưng xuất hiện suy thai cấp. Ví dụ con to, thai to, bất cân xứng đầu chậu, ối vỡ non, ối vỡ sớm, ngôi ngược, ngôi ngang... Người lớn tuổi, có tiền sử sẩy thai, sinh khó, hoặc thụ tinh trong ống nghiệm cũng được xếp vào nhóm nguyên nhân tương đối. Tuy nhiên, nếu thụ tinh trong ống nghiệm mà cổ tử cung mở tốt, em bé gọn bác sĩ vẫn cho sinh thường ngay.

 

 
Thạc sĩ - Bác sĩ Ngô Đình Vinh - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đà Nẵng : Tâm lý tốt sẽ sinh thành công

“Dù sản phụ và người nhà có nói thế nào đi nữa, y khoa cũng tuyệt đối không bao giờ đứng về phía yêu cầu của người bệnh, mà luôn tuân thủ theo các chỉ định thuộc về chuyên môn.

Tức là sinh mổ hay sinh thường phải do bác sĩ quyết định. Tâm lý ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành công của ca sinh.

Nhiều bà mẹ khi cổ tử cung mới mở 3 – 4 phân, nhưng không làm theo hướng dẫn của bác sĩ, cứ rặn bừa làm ngôi thai không xuống được, cổ tử cung phù nề chuyển thành sinh khó, phải mổ. Chúng tôi khẳng định, trừ các trường hợp có bệnh, nếu bà mẹ sức khỏe bình thường, tâm lý tốt, xác suất sinh thường thành công sẽ rất cao.

 

HƯỚNG DƯƠNG - HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.