.

Tăng cường phòng ngừa dịch bệnh

.

Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng được ngành Y tế đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh, không để xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm gây chết người như dịch tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, viêm màng não… Không chỉ có vậy, công tác xử lý dịch bệnh sau những đợt thiên tai, bão lụt  được cán bộ y tế dự phòng thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thành công này?

Cán bộ Đội Y tế dự phòng quận Liên Chiểu xuống điều tra nơi phát sinh muỗi tại tổ 5 phường Hòa Minh.

Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 79 trường hợp sốt xuất huyết, con số này thấp hơn những năm trước. Các dịch bệnh khác được khống chế và giám sát chặt chẽ với số lượng mắc không đáng kể. Bác sĩ Trần Văn Nhật, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, mạng lưới y tế dự phòng tuyến quận, huyện của thành phố hiện nay tương đối hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc cơ chế giám sát bệnh. Hễ có một ca bệnh truyền nhiễm xuất hiện ở tổ dân phố nào thì cán bộ y tế dự phòng phải trực tiếp xuống địa bàn để điều tra nguyên nhân gây bệnh.

Nếu thấy nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát thì tiến hành ngay các biện pháp dập dịch như: phun thuốc khử trùng, cách ly bệnh nhân và khuyến cáo người dân cảnh giác phòng bệnh. Cơ chế này thực hiện liên tục hằng ngày, hằng tuần và nhất là trong những mùa cao điểm dịch bệnh xuất hiện ở nhiều địa phương lân cận thành phố. Điển hình như bệnh sốt xuất huyết đang xuất hiện ở một số địa phương, trong đó quận Liên Chiểu là “địa bàn nóng”, công tác giám sát dịch được Đội Y tế dự phòng quận kịp thời theo dõi chặt chẽ.

Cán bộ y tế xuống tận tổ dân phố, vào từng nhà để vận động người dân tham gia diệt muỗi phòng bệnh. Ông Phạm Chải, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận giải thích: “Làm như vậy thì vất vả nhưng hiệu quả cao. Nếu không, khi dịch bùng phát nhiều nơi trong cùng một thời điểm thì sẽ khó dập dịch. Nhờ chủ động phòng dịch nên đến nay, toàn quận Liên Chiểu chỉ có vài ca sốt xuất huyết”. 

Cuối năm 2007, cùng với việc xử lý dịch bệnh sau cơn lũ lịch sử gây ngập nặng, thành phố lại tiếp tục lên phương án phòng dịch tiêu chảy cấp bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Bắc. Sau khi có sự chỉ đạo của UBND thành phố, ngành Y tế đã tiến hành xử lý môi trường tại ven Quốc lộ 1A đoạn đi qua thành phố, ga Đà Nẵng, ga Kim Liên, sân bay Đà Nẵng và Bến xe Trung tâm thành phố. Song song với đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Những người từ vùng có dịch vào thành phố nếu có dấu hiệu bị bệnh tiêu chảy thì phải báo ngay cho cơ sở y tế để điều trị và giám sát. Nhờ thực hiện tốt phòng bệnh nên thành phố vẫn chưa xuất hiện ca bệnh tiêu chảy cấp nào.

Ngành Y tế thành phố đang quy hoạch và kiện toàn mạng lưới y tế  theo hướng dự phòng tích cực kết hợp với việc đẩy mạnh y tế chuyên sâu đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.

Đồng thời ngành đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị đối với hệ Y tế dự phòng để đảm nhận các kỹ thuật giám sát dịch bệnh, kiểm dịch quốc tế, giám sát kiểm tra vệ sinh lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch; giảm tỷ lệ mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm gây dịch và không để dịch lớn xảy ra, khống chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc và chết của các bệnh tả, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét, dịch hạch, viêm gan B, viêm não Nhật Bản B và các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Đó cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân thành phố giai đoạn hiện nay đến năm 2010 mà thành phố đang hướng đến.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần phải đầu tư nguồn kinh phí cho hệ dự phòng. Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, hiện nay Labo xét nghiệm của trung tâm vẫn chưa thực hiện được những phân tích vi sinh phức tạp mà phải gửi đi nơi khác xét nghiệm, tốn kinh phí và phải chờ đợi kết quả. Được biết, mới đây, UBND thành phố có quyết định hỗ trợ nguồn kinh phí 1,5 tỷ đồng để trang bị thêm một số máy móc phục vụ xét nghiệm VSATTP. Đây là những hỗ trợ cần thiết để trung tâm chủ động phát hiện sớm những nguy cơ từ thực phẩm có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.

Bài và ảnh: VIỆT LINH

;
.
.
.
.
.