Ở Bệnh viện đa khoa Ngũ Hành Sơn, trong 5 năm trở lại đây không tuyển được bác sĩ mới, đã vậy có một số bác sĩ xin chuyển công tác làm cho bệnh viện gặp khó khăn trong công tác khám và điều trị bệnh cho người dân. Tính đến cuối năm 2007, bệnh viện có 22 bác sĩ, nhưng đến giữa năm 2008, 4 bác sĩ chuyển sang các bệnh viện khác, trong đó có Bệnh viện tư nhân Vĩnh Đức (tỉnh Quảng Nam).
Thiếu bác sĩ là tình cảnh chung của cả nước hiện nay. TRONG ẢNH: Cán bộ y tế tham gia cấp cứu người bị nạn do bão. |
Đồng cảnh ngộ với Bệnh viện Ngũ Hành Sơn, hiện tại, Bệnh viện đa khoa Thanh Khê phải bố trí nhiều bác sĩ phụ trách nhiều chuyên khoa khác nhau. Bác sĩ Phan Thanh Phương, Quyền Giám đốc bệnh viện than thở: “Chúng tôi biết thiếu bác sĩ là tình trạng chung ở nhiều nơi, nhưng việc bác sĩ bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư quả là điều nhức nhối”. Ở Bệnh viện Thanh Khê chỉ có 1 trường hợp chuyển sang bệnh viện tư, nhưng điều này cũng cho thấy các chính sách đãi ngộ dành cho các bác sĩ tuyến dưới chưa đủ sức để giữ chân họ ở lại làm việc lâu dài.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hải Châu bức xúc: “Nếu căn cứ theo Thông tư Liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước thì ở Hải Châu thiếu đến 31 bác sĩ, trong đó có 5 bác sĩ tuyến phường. Đã thế, vừa qua, trên địa bàn quận có một số bác sĩ điều chuyển và xin nghỉ việc nên công tác khám, chữa bệnh cho người dân càng khó khăn hơn”.
Theo bác sĩ Tài, để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, Sở Y tế thành phố đã có kế hoạch luân chuyển bác sĩ từ thành phố xuống tuyến quận, huyện và từ quận, huyện xuống xã, phường, nhất là những nơi thiếu bác sĩ. Hình thức “biệt phái” này nếu triển khai hiệu quả không chỉ nâng cao năng lực về chuyên môn trong khám chữa bệnh, mà còn giải quyết sự thiếu hụt đội ngũ bác sĩ tuyến dưới. Tuy nhiên đến nay, kế hoạch luân chuyển bác sĩ vẫn chưa triển khai được do chưa thống nhất về thời gian và hình thức luân chuyển bác sĩ giữa các tuyến.
Trên thực tế, vấn đề thu nhập và cơ hội đào tạo sau khi ra trường luôn là những chọn lựa của nhiều tân bác sĩ trước khi đầu quân ở một cơ sở điều trị nào đó. Đối với các bác sĩ trẻ, điều quan tâm của họ không phải là bệnh viện công hay tư mà là có thu nhập khá, ổn định và có điều kiện học tập nâng cao tay nghề. Vì thế, để có đủ đội ngũ bác sĩ tuyến xã, phường, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, bảo đảm sự công bằng hưởng thụ của bác sĩ các tuyến y tế, nhất là quận, huyện, xã, phường.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG