.

Giấy ăn - ngoài vòng kiểm soát

.

Giấy ăn được dùng ở các quán ăn, nhà hàng chưa bao giờ nằm trong “danh mục” kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh từ cấp Trung ương đến cơ sở. Trong khi những tác hại của nó đối với sức khỏe không thể nhìn thấy ngày một ngày hai...

Giấy càng xỉn, giá càng rẻ

Hầu hết các quán cơm bình dân, quán bún, phở... hiện nay đều sử dụng cùng một loại giấy ăn. Đó là thứ giấy xỉn màu, hoặc màu trắng ngà, mỏng, hình vuông. Ở các nhà hàng thì loại giấy ăn cũng không khá hơn: giấy màu trắng hoặc hồng, lớn gấp 3-4 lần loại giấy dùng ở các quán bình dân, nhưng khi dùng lau bát ướt là rữa ra, lau miệng có khi dính lên cả môi. Một số quán ăn tiết kiệm hơn còn dùng cả giấy cuộn vệ sinh thay giấy ăn.

Tại chợ Hàn, giấy ăn được bày bán tại những hàng tạp hóa bán đồ khô. Loại giấy nhỏ bằng bàn tay, hình vuông, màu trắng ngà có giá 12.000 đồng/kg. Những người bán không biết người bỏ mối hàng ở đâu, vì họ chỉ xuất hiện vài ngày trong tuần, đưa giấy đến cho các quầy hàng rồi đi. Ở Trung tâm Thương mại thành phố, tình trạng cũng xảy ra tương tự. Nhưng giấy được bày bán ở những quầy hàng bao bì.
 
Trong vai người đi mua hàng, chúng tôi được dì Lành, một người bán hàng cho biết có 4 loại giấy ăn thường dùng ở các quán ăn bình dân, giấy loại trắng nhất giá 12.000 đồng/kg, loại trắng vừa: 10.500 đồng/kg; loại xỉn màu: 8.600 đồng/kg, loại màu tối nhất: 8.400 đồng/kg. Bà còn cho biết thêm, hiện nay người mua chủ yếu mua các giấy loại 2, 3; loại 4 ít dùng vì nó cũng không rẻ hơn các loại giấy khác bao nhiêu. Còn loại giấy ăn cũng hình vuông đó, màu hồng xuất hiện 1-2 năm trước ở các quán ăn bây giờ cũng không có, “vì nhà sản xuất không cung cấp”, bà Lành tiết lộ.

Nhà bà Lành là một cơ sở cung cấp giấy ăn đã được xén, đóng gói ra thị trường và bà từ chối tiết lộ địa chỉ. Bà cho số điện thoại nhà riêng và hứa sẵn sàng đưa hàng đến tận nhà, với lý do đường hẻm rất khó tìm. Tìm đến cơ sở này nằm ở một con hẻm trên đường Hoàng Diệu. Ngoài thông tin đây là nơi cung cấp giấy ăn cho nhiều quầy hàng tạp hóa ở chợ Mới, chợ Cồn và nhiều khu chợ nhỏ lẻ khác, chúng tôi hầu như không khai thác được gì thêm.

Hỏi thăm một người đạp xích lô, tôi tìm đến nhà một người phụ nữ tên Hà ở khu vực ngã ba Cai Lang. Cơ sở này mỗi ngày đưa ra thị trường hàng chục kg giấy ăn. Tại đây, sau khi nhận giấy từ các nhà máy ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, giấy được cắt, xén lại cho vuông vức, xếp thành từng bó và chuyển đến các chợ, giá bỏ mối dao động từ 8.000 - 11.000 đồng/kg.
 
Bà Hà tiết lộ, thường không phải lúc nào giấy được nhận từ các nhà máy đều trắng, đẹp; mà có khi xỉn màu, tùy vào chất lượng giấy từng ngày khác nhau. Nhưng ở cơ sở của bà, do quan hệ làm ăn trên 5 năm nay với công ty cung cấp giấy nên lúc nào cũng được họ chuyển cho loại “giấy chất lượng cao”. “Giấy chất lượng cao”, như bà Hà nhận xét, là loại giấy vuông, mỏng, màu trắng, có mức giá cao nhất ở thị trường giấy ăn rẻ tiền - 12.000đồng/kg. Bà Hà từ chối nói tên công ty đã cung cấp loại giấy để sử dụng làm giấy ăn này cho cơ sở của bà. Và tất cả những địa chỉ cung cấp giấy ra thị trường tuyệt nhiên không hề tiết lộ danh tính nơi nguồn cung các loại giấy. Chúng tôi tìm được 10 công ty sản xuất giấy trên toàn thành phố, nhưng việc xác định nơi chuyển giấy cho các cơ sở thật như là “mò kim đáy bể”.

Chưa hề có kiểm tra giấy ăn

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, loại giấy dùng để lau đũa, thìa, lau miệng ở các quán ăn đường phố hiện nay được phân định độ sạch hay bẩn dựa vào màu sắc: sạch - nếu đó là loại giấy trắng tinh, bẩn - loại giấy không tẩy trắng được hết, có màu hơi đen hoặc trắng ngà, có lẫn tạp chất, loại này không bảo đảm vệ sinh và được làm từ giấy tái chế (như giấy cũ, giấy sách, báo). Còn giấy ăn hợp vệ sinh phải được làm từ nguyên liệu giấy (bột tre).

Loại giấy ăn hình vuông màu trắng, dùng thông dụng ở các quán ăn hiện nay.

Và công thức sản xuất của hầu hết các loại giấy ăn đó là: Thu gom giấy phế liệu đem ngâm vào bể nước súc cho mục ra, dùng máy thủy lực nghiền nát thành bột. Sau đó, pha các hóa chất và phụ gia như phèn, nhựa thông, phẩm màu, xút, nước javen hoặc chất tiba phản quang... để tẩy trắng. Tiếp đó, thứ hỗn hợp kia được cho vào đun nấu, đổ ra khuôn ép và sấy khô thành giấy ăn nơi các quán phở, quán nhậu hay dùng...

Khi chúng tôi đặt câu hỏi với bác sĩ Hà Nguyễn Hào, Quyền Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng thì ông cho biết, hiện nay (ở Đà Nẵng-PV) chưa có một nghiên cứu nào về tác hại của việc dùng giấy ăn kém chất lượng đối với sức khỏe. Và cũng chưa hề có một ca bệnh nào đến khám tại bệnh viện vì lý do dùng giấy ăn ở các nhà hàng, quán ăn đường phố.

Tại Sở Công thương thành phố, một chuyên viên cho biết, kể từ đầu năm đến nay chưa có một cuộc kiểm tra theo ngành hoặc kiểm tra liên ngành các công ty, cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn, nên không có một kết luận xác đáng nào về vấn đề an toàn vệ sinh đối với loại giấy ăn đang lưu hành trên thị trường. Qua trao đổi với các đơn vị chức năng của ngành Y tế Đà Nẵng, ở đây cũng xác định rằng vấn đề giấy ăn trong các nhà hàng, quán ăn chưa bao giờ được các cơ quan chủ quản kiểm tra. Nghĩa là từ cấp Trung ương đến địa phương, giấy ăn không nằm trong danh mục kiểm tra, tức chưa có chuyên đề kiểm tra.

Trên mặt giấy ăn thường có những điểm đen, nếu dùng tay chà xát mặt giấy sẽ thấy không còn độ dẻo, dễ bị rách khi kéo, sau khi chà xát có những vụn giấy rơi ra. Và tất cả những nhận xét về loại giấy sạch hay bẩn đều dựa trên cảm quan của người quan sát. Vậy là người tiêu dùng khi sử dụng trong thời gian ngắn có thể “chẳng hề gì” nhưng không đồng nghĩa với việc không có những tác động xấu, chỉ là chưa nhìn thấy ngay mà thôi.

 

Theo bác sĩ Phan Xuân Trung, phụ trách trang web ykhoa.net, việc sử dụng loại giấy ăn kém chất lượng trong một thời gian dài có thể có những ảnh hưởng đối với sức khỏe. Thứ nhất là, có thể hấp thụ vào cơ thể những chân nấm độc hại, khuẩn cầu que gây ra bệnh viêm kết ruột, có thể dẫn tới các bệnh như bệnh viêm ruột, thương hàn, kiết lỵ, thậm chí còn có khả năng mang theo vi khuẩn gây bệnh viêm gan. Thứ hai là, các loại giấy chất lượng kém còn có nhiều bột bụi giấy, khi sử dụng một lượng lớn bụi công nghiệp có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, có thể gây ra những kích thích đối với đường hô hấp. Thứ ba là, có thể gây những kích thích đối với những làn da quá mẫn cảm.

 

Hiền Lương

;
.
.
.
.
.