Những “nỗi buồn âm thầm” tưởng là chuyện rất đỗi riêng tư. Song, khi nguy cơ bùng phát các dịch bệnh tiêu chảy ngày càng trở nên khó lường, việc giải quyết “nỗi buồn” không đúng nơi, đúng chỗ lại gây nên bao bức xúc, lo ngại cho toàn xã hội. Số tiền mà Nhà nước bỏ ra để xét nghiệm vi khuẩn tả cho tất cả các ca tiêu chảy và số tiền để điều trị “tiêu chảy cấp nguy hiểm” nhiều hơn rất nhiều so với tiền đầu tư nhà vệ sinh...
“Lên” rừng, “xuống” biển
Địa phương siết chặt khâu vệ sinh, bờ biển Nam Ô đã được cải thiện nhiều, không còn cảnh “mìn” tràn lan, đóng lớp như trước đây. |
Mấy chục năm “chạy” tạm bờ ruộng, mương nước, ông Ba và nhiều nông dân trong xóm đã “chế” ra cái W.C dã chiến gồm một hố đất, hai thanh ván bắc ngang và tấm ni lông che tạm bợ. Dẫu sao, theo ông Ba, nhà vệ sinh kiểu này đã lịch sự hơn nhiều so với việc ngồi khơi khơi giữa trời đất. Ở vùng nhiều cây cối, đồi núi quanh co như Hòa Liên, Hòa Phú..., nhiều người “giải quyết” bằng cách ra rừng đào hố. Chị Dương Thị Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Liên (Hòa Vang) nói: “Trong xã còn khoảng 15% hộ gia đình chưa có nhà vệ sinh, nên đều “đi” theo cách này!”.
Nơi trống trải như bãi biển cũng được tận dụng tối đa. Đi dọc nhiều bãi biển Thọ Quang, Thuận Phước - Liên Chiểu, Nam Ô..., người ta vẫn có thể đạp “mìn” như chơi. Lâu lâu, người ngồi ngắm biển phải bịt mũi chạy nhanh vì mùi xú uế bốc lên. Theo một nhân viên dọn vệ sinh dọc bờ biển Xuân Hà (thuộc Công ty Môi trường đô thị thành phố): “Chúng tôi thường gặp cảnh tượng người ngồi phóng uế vào lúc sáng sớm. Có khi mình đang quét, người ta cứ vô tư ngồi bên cạnh. Chủ yếu người trung niên và người già mới làm vậy, còn người trẻ thì không thấy!”.
Chưa có tiền, chưa xây nhà vệ sinh
Một nông dân tổ 1, thôn 17 Cẩm Toại Trung, Hòa Phong (Hòa Vang) chỉ tay ra mô đất cạnh đồng ruộng: “Đó! “Nhà vệ sinh công cộng” của tụi tui đó! Mưa thì đội nón ra “ngồi”!”. |
Tại nhiều địa phương ở vùng ngoại thành, chương trình cho phụ nữ vay tiền xây nhà vệ sinh đã được triển khai. Đến nay, mỗi xã, phường còn khoảng 10 - 40% hộ dân chưa được vay hoặc “không chịu vay”.
Theo ý kiến cá nhân ông Ba và một số người dân ở Hòa Phong, họ không dám vay tiền làm nhà vệ sinh vì sợ “mắc nợ, lấy tiền đâu trả”. Chị Nguyễn Thị Kim Cúc, cán bộ Hội Phụ nữ xã Hòa Phú (Hòa Vang) giải thích: “Tại Hòa Phú có khoảng 60% hộ đã được vay vốn xây dựng công trình vệ sinh. Số còn lại, nếu được vay, họ cũng không chịu vì chỉ vay được chừng 3 triệu, nhưng muốn xây nhà vệ sinh phải cần tới 7 - 8 triệu. Bà con không có tiền bù thêm”. Theo chị Cúc, nhiều đơn vị đã có lời đề nghị: “Hộ nào xây nhà vệ sinh trong năm nay sẽ được tặng 500.000 đồng”. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc thiệt hơn, bà con quyết định không xây do số tiền được tặng quá ít. Còn theo chị Dương Thị Liên, vì nằm trong khu vực sắp giải tỏa, bà con cũng không muốn đầu tư cho nhà vệ sinh, “mắc công ít bữa đập đi!”.
|
“Mìn” đổ hết ra ruộng, chạy vòng vòng vào... người
Nói tới chuyện “bạ đâu đi đó”, một người dân (xin giấu tên) tổ 1, thôn 17, xã Hòa Phong (Hòa Vang) không giấu bức xúc: “Cán bộ xã, bà con chòm xóm cứ nói hoài mà họ (những hộ chưa có nhà vệ sinh) cũng cứ rứa miết. “Đi” đó, phân chảy ra ruộng hết chớ đi mô. Ruộng đồng lình xình nhìn muốn thất kinh, làm chân cẳng tui ngứa hết. Mấy năm ni, nhờ được vay tiền làm công trình phụ thành ra môi trường chung quanh có đỡ hơn. Nhưng phải làm răng cho ai cũng chấp hành mới được. Không thì bà con quanh đây cũng vạ lây!”. Còn theo ông Trần Văn Tiên, mỗi ngày gió biển cứ đưa “mùi hương” khó chịu vào những hộ dân sát biển.
Tuy nhiên, đường đi của phân không chỉ dừng lại ở việc gây hôi, gây ghẻ... như bà con thường thấy, mà theo Bác sĩ Phan Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, trong phân người có rất nhiều vi trùng. Nếu đi tiêu bừa bãi, vi trùng sẽ thấm vào đất, thông qua bụi bặm, gió... phát tán ra môi trường, nhiễm vào thực phẩm (rau, cây cỏ, nước uống...), có thể gây ra tiêu chảy cấp, và nhiều bệnh về đường ruột khác. Đến đây, giải quyết “nỗi buồn” không còn là chuyện của riêng ai, bởi nguy cơ dịch bệnh tiêu chảy có thể lây lan ra cả cộng đồng từ những ổ dịch lộ thiên kia.
|
Hướng Dương - Uyên Nguyên