.

Trạm y tế lo… lũ về

.

Đến nay, nhiều Trạm y tế xã, phường của thành phố đã lên kế hoạch chuẩn bị phòng chống bão lũ. Quan điểm của ngành Y tế thành phố đưa ra là chủ động bố trí, di dời đối với những Trạm y tế ở các địa bàn vùng trũng thấp, nhằm giảm thiệt hại về trang thiết bị và con người khi xảy ra bão mạnh và lũ lớn.

Duy trì Đội cấp cứu ngoại viện

Cán bộ y tế tham gia cấp cứu người bị nạn từ tàu Yinson Power 2 của Indonexia hồi tháng 9 vừa qua.
Theo sự phân công của ngành Y tế, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ là nơi thu dung điều trị đối với bệnh nhân cấp cứu nặng, phải điều trị do đa chấn thương và các tai nạn khác xảy ra trong bão lũ. Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc bệnh viện cho biết, đến nay, bệnh viện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các khoa Khám cấp cứu, Hồi sức cấp cứu và khoa Dược chuẩn bị các phương án cụ thể để tổ chức thu dung điều trị và thực hiện sự điều động khẩn cấp của Sở Y tế.

Trong 3 năm trở lại đây, bệnh viện đã duy trì 2 Đội cấp cứu ngoại viện trực chiến trong những tình huống khẩn cấp để tham gia hỗ trợ tuyến dưới, nhất là các Trạm y tế xã, phường. Mỗi Đội cấp cứu ngoại viện được bố trí 3 bác sĩ, một số y tá, điều dưỡng cùng một cơ số thuốc dự phòng cần thiết để cấp cứu. Đội này sẽ xuất phát với xe cấp cứu 115 thuộc Trung tâm Cấp cứu thành phố để nhanh chóng tiếp cận người bị nạn.

Bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Quyền Giám đốc Sở Y tế cho biết, điểm mới trong công tác phòng chống bão lụt năm nay là tạo sự chủ động ngay từ các Trạm y tế xã, phường. Trước mùa lũ, các Trạm y tế phải rà soát số lượng người già và trẻ em trên địa bàn để có thể thông tin kịp thời với các đơn vị phối hợp cấp cứu, tìm kiếm khi thiên tai xảy ra. Hiện tại, ngành Y tế đã bố trí 76 cơ số thuốc phòng chống bão lụt về các Trạm y tế để thuận tiệp trong việc cấp phát cho người dân. Bên cạnh đó, một lượng áo phao cứu sinh cũng đã được tập kết về các Trạm y tế thường xảy ra ngập lụt như Hòa Xuân, Hòa Tiến, Hòa Phát, Hòa Châu, Hòa Khương, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Quý, Hòa Hải…

Ngoài những cơ số thuốc đã cấp phát trong mùa mưa bão năm 2008, hiện nay Công ty cổ phần Dược và Thiết bị y tế Đà Nẵng đã chuẩn bị một lượng thuốc thiết yếu nhằm cung ứng kịp thời khi dịch bệnh xảy ra sau lũ.

Tiếp tục khắc phục hậu quả những năm trước

Mặc dù đã chủ động đối phó với thiên tai nhưng hậu quả và sức tàn phá dữ dội từ các trận bão, lũ những năm trước đây đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong công tác khắc phục và thu dung điều trị ở một số bệnh viện của thành phố. Hiện nay, công tác khắc phục tại Bệnh viện đa khoa Ngũ Hành Sơn tiếp tục được thực hiện nhưng vẫn còn rất chậm do nguồn kinh phí hạn hẹp. Được biết, sau cơn bão Xangsane năm 2006, toàn bộ hệ thống tường rào, cổng ngõ và một phần mái lợp của bệnh viện bị tốc, nhiều cửa kính bị bể vụn.
 
Một số trang thiết bị bị hư hỏng nhưng sau hai năm, chỉ có một số hạng mục được đầu tư sửa chữa, các hạng mục còn lại được tu bổ theo kiểu chắp vá. Ở Liên Chiểu, một số Trạm y tế do tu bổ, sửa chữa đã lâu nên đang hư hỏng như Trạm y tế phường Hòa Minh. Vấn đề đặt ra hiện nay là ngành Y tế cần nhanh chóng rà soát hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị của các Trạm y­­ tế và các bệnh viện tuyến quận, huyện để các đơn vị này nhanh chóng ổn định công tác thu dung điều trị, nhất là trong thời điểm mùa bão lũ đang cận kề.

Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.