.

Trường mầm non trở lại với sữa

.

Sáng ngày 1-10, Trường Mầm non tư thục Minh Đức (321/19 Phan Châu Trinh-Đà Nẵng) mới chính thức cho các bé uống trở lại hai loại sữa Vinamilk và Dutch Lady (Cô gái Hà Lan), sau nhiều ngày ngưng hẳn sữa hộp. Những ngày sữa bị “lình xình” chuyện melamine, Trường Mầm non tư thục Minh Đức đã thay sữa bột bằng sữa đậu xanh, đậu nành trong thực đơn hằng ngày cho trẻ.

Các bé ở trường mầm non đã lại được uống sữa hộp an toàn. Ảnh: HẰNG VANG

Danh sách sữa và các sản phẩm không chứa melamine đang được Bộ Y tế công bố trở thành “giấy thông hành” cho các trường làm cơ sở xua tan lo lắng của phụ huynh. Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi thơ – cô Nguyễn Hứa Kiều Hoa cho biết: “Mấy hôm nay chúng tôi vẫn duy trì dùng sữa của Abbott và Dutch Lady, không cắt khẩu phần sữa để bảo đảm dinh dưỡng, nhưng cũng cứ hồi hộp. Giờ thì yên tâm phần nào rồi!”.

Trước cổng Trường Mầm non Minh Đức, bảng thông báo “Sữa bột 456 Dutch Lady và sữa bột nguyên kem Vinamilk không có chất melamine....” đã được dán lên để cha mẹ các bé tiện theo dõi. Nhiều trường khác vẫn còn khá thận trọng trong việc thông báo. Theo bà Kiều Hoa, nhà trường đang chờ kết quả kiểm nghiệm của cả Abbott mới chính thức dán thông báo về nguồn sữa an toàn. Bà Cái Thị Nhuận, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiên Sa cho biết, công ty cung cấp sữa Arti (Arti Grown, Arti plus, Arti gold...) đã gửi cam kết sẽ có kết quả kiểm nghiệm sớm nhất là ngày 20-10.

Thêm bài học kinh nghiệm chọn thực phẩm cho trẻ

Từ sau sự cố sữa, đại diện các trường đều công nhận, việc cẩn trọng với nguồn thức ăn, bảo đảm tối đa sự an toàn cho các bé càng phải được chú trọng ở mức cao nhất. Mặc dù việc chuẩn bị bữa ăn hằng ngày cho trẻ lâu nay luôn được các trường mầm non lưu ý từ khâu nhập nguyên liệu đến các thao tác chế biến, tuy nhiên vẫn rất khó tránh thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, khi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm càng lúc càng đáng lo ngại.

Theo bà Kiều Hoa, tất cả nguồn cung thức ăn phải có chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn, có xuất xứ rõ ràng. Nguồn sữa dùng trong các trường mầm non cũng được trình bày cụ thể với Phòng Giáo dục-Đào tạo quận mới được phép đưa vào danh mục thức ăn cho trẻ. Việc cha mẹ đưa sữa, đồ ăn ngoài vào trường, hoặc các hãng sản phẩm tiếp thị, cho trẻ dùng thử đều bị từ chối. “Thà bị coi là gay go, còn hơn để xảy ra bất trắc cho các cháu”. Tương tự, bà Cái Thị Nhuận cũng cho hay: “Lấy thực phẩm từ một nguồn duy nhất có đắt hơn chợ một chút, nhưng lại quản lý được nguồn gốc thức ăn, nếu có gì không hay, có thể truy ra nơi cung cấp”.

 

Trong diễn đàn Quyền uống sữa cho trẻ em Việt Nam (tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 30-7-2008), nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đưa ra con số giật mình:

Cứ 3 trẻ em Việt Nam, có 1 trẻ thiếu chiều cao và cứ 5 trẻ em thì có một trẻ suy dinh dưỡng vì thiếu cân nặng.

Trong khi Việt Nam có tới 36% dân số là trẻ em. Các trẻ em này, đặc biệt là sau tuổi bú mẹ thường không được quan tâm đến việc cho uống sữa đúng mức. Do đó, khi lớn lên, các em thường có thể trạng nhỏ bé.

Trong một nghiên cứu khác của Tiến sĩ Catherine S. Berkey – Đại học Y khoa Harvard cho thấy: khi trẻ em uống sữa hơn 3 ly mỗi ngày, cân lượng tăng cao, mập hơn 25% so với trẻ em uống dưới 3 ly sữa mỗi ngày. Phần lớn trẻ uống sữa ít chất mỡ hơn trẻ không uống sữa.

(Tổng hợp từ Lao động và vietbao.com)

 

HẰNG VANG – TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.