Trong những tháng mùa lạnh, nhiệt độ về đêm thường xuống thấp gây ra các loại bệnh ở trẻ em, nhất là bệnh viêm đường hô hấp trên, bao gồm viêm họng, hầu, mũi, viêm thanh quản.
Ho, hen và chảy nước mũi
Anh Huy và bé Bảo Quyên tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, trong tháng 9 đã có 268 lượt trẻ em đến khám tại Trạm Y tế phường với những biểu hiện chung như sốt cao do viêm hô hấp trên. Số lượng trẻ đến khám tăng hơn so với những tháng mùa nắng trước đó. Chị Nguyễn Thị Lành, có con nhỏ bị sốt do viêm đường hô hấp cho biết: “Những ngày nắng nóng đi học đều và sức khỏe bình thường.
Tuy vậy, sau những đợt mưa lớn kéo dài trong mấy ngày cuối tháng 10, thời tiết trở lạnh nên cháu bị sốt liên tục, phải nghỉ ở nhà để điều trị”. Tại tổ 18, phường Mỹ An đang có hàng chục trẻ em phải nghỉ ở nhà do bị ho và sổ mũi kéo dài. Hầu hết trẻ mắc bệnh đều dưới 6 tuổi và được các bác sĩ cho thuốc uống từ 3 đến 5 ngày, sau đó được tái khám tại Trạm Y tế phường.
Tại phòng Nhi hô hấp thuộc Khoa Nhi - Bệnh viện Đà Nẵng, từ cuối tháng 8 đến nay, mỗi ngày luôn thường trực từ 60 đến 80 trẻ điều trị nội trú các bệnh về hô hấp. Phần lớn trong số đó là những trẻ bệnh lý nặng, trung bình mỗi ngày có từ 10 đến 12 bệnh nhân nhi suy hô hấp phải tiêm kháng sinh liều cao vào tĩnh mạch.
Anh Trần Thanh Huy, trú tại tổ 46, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn có hai cháu nhỏ là Bảo Quyên và Quyên Bảo đều bị bệnh viêm phổi và hen cấp tính. Anh Huy cho biết, trong 3 tháng trở lại đây, thời tiết thất thường khiến bệnh hen của hai cháu tái phát liên tục và phải điều trị 3 đợt, mỗi đợt từ 12 đến 19 ngày tại Bệnh viện Đà Nẵng. Hằng ngày Bảo Quyên và Quyên Bảo phải chích kháng sinh để giảm suy tổn phổi và ức chế hen khi thời tiết đột ngột chuyển lạnh.
Sức đề kháng yếu nên thể trạng của Quyên và Bảo ốm và da xanh. Bác sĩ Tôn Thị Minh Phượng, Trưởng Phòng Nhi hô hấp cho biết, hầu hết các trẻ bị bệnh viêm hô hấp dễ dẫn đến viêm phổi và phải điều trị từ 7 đến 10 ngày bệnh mới khỏi, nặng thì nửa tháng đến 20 ngày mới có thể xuất viện. Ở các bệnh viện tuyến quận, huyện, số lượng trẻ mắc bệnh hô hấp trong mùa lạnh cũng đang bắt đầu tăng nhanh.
Phòng bệnh thế nào cho hiệu quả
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Khoa Nhi - Bệnh viện Đà Nẵng thì các bậc cha mẹ có con em mắc bệnh viêm đường hô hấp và hen nên giữ trẻ ấm và tránh gió trong những ngày thời tiết chuyển mùa. Bác sĩ Vân cảnh báo, chỉ cần không chú ý mặc ấm khi chở trẻ ra ngoài đường, nhất là vào ban đêm thì có thể ngay đêm đó trẻ sẽ bị sốt do cảm lạnh, cảm gió. Phòng bệnh hơn chữa bệnh - đây là câu nói rất phù hợp với mọi căn bệnh, trong đó có bệnh viêm đường hô hấp trên. Bệnh này còn có liên quan mật thiết đến vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân.
Những khuyến cáo của bác sĩ đưa ra, nhất là trẻ em và người cao tuổi cần mặc áo ấm, giữ ấm cổ vào những ngày gió lạnh. Cần vệ sinh răng miệng hằng ngày. Nên tập cho trẻ có một thói quen tốt là đánh răng trước và sau khi ngủ. Khi ra đường nên đeo khẩu trang để hạn chế hít phải nhiều bụi, trong đó có những loại bụi mang các dị nguyên và vi sinh vật. Những gia đình dùng bếp than cần có biện pháp nhằm hạn chế đến mức tối đa hít phải khí độc do than khi đốt cháy thải ra. Những gia đình dùng bếp củi, rơm, rạ nên dùng loại bếp ít khói. Khi mắc bệnh phải điều trị tích cực để hạn chế tái phát, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này.
Bài và ảnh: DIỆU MINH