.

Chủ động phòng bệnh

.

Mưa bão, lũ lụt thường gây ô nhiễm môi trường và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vậy làm gì để phòng chống bệnh trong mùa mưa?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố: Có dấu hiệu mắc bệnh, điều trị ngay.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố khuyến cáo người dân hết sức đề phòng 3 loại bệnh thường mắc phải trong mùa mưa, là sốt xuất huyết, tiêu chảy và cảm cúm, trong đó nguy hiểm nhất là sốt xuất huyết.

Đồng thời, các bệnh ngoài da như nấm, ghẻ, nước ăn chân… cũng phải lưu ý đề phòng. Dù trong hoàn cảnh nào, khi có các dấu hiệu nóng sốt, phát ban, sốt cao đột ngột, chảy máu chân răng, cơ thể đau nhức, chảy nước mũi, tiêu chảy nhiều lần trong ngày... thì phải đến ngay cơ sở y tế. Tuyệt đối không được để bệnh nặng mới đi điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu: Đề phòng cảm lạnh.

Trong mùa đông, mọi người phải mặc quần áo đủ ấm để phòng tránh cảm lạnh, nhất là đối với người già và trẻ em. Học sinh đi học không để bị mưa ướt. Các trường học mầm non, mẫu giáo khi có trẻ bị cảm cúm phải yêu cầu phụ huynh không đưa trẻ đến trường để tránh lây lan.
 
Mọi người phải chú ý trong việc tắm giặt, nên tắm bằng nước ấm và không tắm lâu (dễ bị cảm lạnh), quần áo phải giặt sạch sẽ, phơi khô, tuyệt đối không mặc đồ ẩm ướt, nếu có điều kiện nên là quần áo trước khi mặc để sát khuẩn. Đối với những người bị huyết áp mãn tính cần uống thuốc đều đặn, đề phòng huyết áp tăng, giảm đột ngột theo thời tiết sẽ gây tai biến mạch máu não, đột quỵ, đột tử.

LÊ VĂN THƠM (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.