Chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi bắt đầu triển khai áp dụng từ tháng 6-2005. Sau một thời gian “trục trặc” từ văn bản đến thực hiện, đến nay guồng máy hoạt động y tế nhân văn này đã chạy đều với một trong những chất “bôi trơn” là nhận thức của các bậc làm cha, làm mẹ.
Biết rõ là KCB cho trẻ dưới 6 tuổi hoàn toàn miễn phí nên các bà mẹ siêng đưa trẻ đi khám. |
Đã có không ít bậc cha mẹ vì thương con mà hành xử hùng hổ như thế. Và cũng đã có không ít những cán bộ cơ sở vì quá nhiệt tình mà vô tình bị “mắng” oan. Thường thì mỗi khi cán bộ đi một vòng quanh xóm bao giờ cũng kết hợp làm một công đôi ba việc, luôn tiện nắm danh sách trẻ mới sinh để làm thủ tục cấp thẻ KCB cho trẻ dưới 6 tuổi. Đến nhà, cán bộ nhiều khi không gặp cha mẹ mà gặp ông bà đứa bé nên nhận thông tin về đứa bé không chính xác. Đến khi nhận thẻ, thấy tên họ, ngày sinh tháng đẻ con mình không đúng, cha mẹ lại la toáng lên là cán bộ làm việc tắc trách (!).
Thực ra, việc làm thẻ KCB cho trẻ dưới 6 tuổi là nhiệm vụ của gia đình chứ không phải của cán bộ nào cả. Khi làm khai sinh cho con, cha mẹ báo luôn cho cán bộ chuyên trách dân số và trẻ em ở xã, phường. Nơi đây sẽ tập hợp danh sách mỗi tháng 1 lần để chuyển lên Phòng LĐ - TB&XH quận, huyện. Phòng in thẻ, chuyển về cho Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) xã, phường ký. Xong phải chuyển lại lên Phòng để ép plastic rồi giao lại cho địa phương để nhờ các tổ trưởng dân phố, trưởng thôn đem đến gửi từng nhà.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH thành phố Đà Nẵng cho biết, việc cấp thẻ KCB cho trẻ dưới 6 tuổi là hoàn toàn miễn phí; các trường hợp mất, hư thẻ đều dễ dàng cấp thẻ mới. Bình thường thì KCB cho trẻ dưới 6 tuổi phải theo tuyến, nhưng trường hợp cấp cứu thì cha mẹ có thể đưa cháu đến bất cứ cơ sở y tế công lập nào trong địa bàn thành phố.
Thủ tục đơn giản là thế, nhưng không phải cha mẹ nào cũng rõ, ngay cả những người ở nội thành. Ở phường Khuê Trung, một số bà mẹ than phiền mỗi lần đi KCB cho con dưới 6 tuổi là mất toi một cái giấy khai sinh của con. Lẽ ra, nếu hiểu biết nhiều hơn, các bà mẹ này đã không phải thủ một chồng bản sao khai sinh để phòng hờ. Theo Thông tư số 14/2005/TT-BYT, khi đến các cơ sở y tế làm nhiệm vụ khám chữa bệnh ban đầu cho con em mình, gia đình phải xuất trình Thẻ KCB của trẻ; trường hợp trẻ em chưa được cấp thẻ thì phải xuất trình một trong 3 loại giấy sau: Giấy khai sinh, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận của UBND xã, phường.
Quy định là thế, nhưng trong thực tế, nhiều nhân viên y tế không chấp nhận 3 loại giấy tờ kể trên, thậm chí dứt khoát yêu cầu phải có thẻ KCB mới được miễn phí. Bởi lẽ, mỗi thẻ có một số hiệu riêng vừa dễ kiểm soát, vừa đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong khi đó, việc xuất trình 3 loại giấy tờ nói trên gây phiền hà cho cả nhân viên y tế lẫn người nhà.
Trẻ dưới 6 tuổi đến điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng ngày một đông. |
Sau hơn 3 năm triển khai, chính sách KCB miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi đã được đông đảo người dân hưởng ứng, góp phần củng cố an sinh xã hội. Xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, có 1.100 trẻ dưới 6 tuổi, trong đó số được cấp thẻ KCB chiếm 95%-98%. Số còn lại chưa làm thẻ, theo chị Nguyễn Thị Thương, cán bộ xã phụ trách dân số và trẻ em, rơi vào các trường hợp bà mẹ sống nơi khác về sinh con ở Hòa Phong hoặc sinh con ở nơi khác rồi đưa con về Hòa Phong.
Số trẻ dưới 6 tuổi đến KCB ở các cơ sở y tế công lập ngày một cao. Ở Bệnh viện Đà Nẵng, số trẻ được cấp thuốc miễn phí trong diện này đã tăng mạnh qua từng năm: 7.277 (6 tháng năm 2005); 19.950 (năm 2006); 21.606 (năm 2007); 22.776 (10 tháng năm 2008). Lý giải cho sự tăng vọt này, theo bác sĩ Sơn, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của cha mẹ về KCB cho con dưới 6 tuổi đã khác xưa, thấy con có triệu chứng ốm đau là đưa ngay đi khám để bảo vệ sức khỏe cho con, miễn phí mà.
Thêm vào đó, hiện một số y tế cơ sở trình độ y bác sĩ yếu kém, thiếu bác sĩ nhi khoa, chưa tạo được sự bảo đảm, niềm tin cho dân, nên người dân đưa trẻ em lên tuyến trên dẫn đến tình trạng quá tải tuyến trên như ở Bệnh viện Đà Nẵng.
|
VIÊN PHÚC QUÂN