.

Vì sao nữ sinh choáng, ngất hàng loạt?

.

LTS: Dựa trên các kết quả nghiên cứu đối với 324 nữ sinh, lứa tuổi từ 17-18, một nhóm tác giả đã tìm ra những nguyên nhân khiến nữ sinh dễ choáng, ngất và đề xuất một số biện pháp phòng tránh. Giáo viên Nguyễn Văn Dũng (Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng), chủ nhiệm đề tài trên đã gửi đến Đà Nẵng Cuối tuần một số nội dung chính nghiên cứu được về hiện tượng nữ sinh choáng, ngất hàng loạt.

Học căng + sinh hoạt không điều độ = ngất

Kiểm tra chạy bền 500m nữ.
Dựa trên phương pháp tính chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể-P.V), chỉ số Eritsman (phương pháp tính hệ số hô hấp-P.V), thành tích chạy bền và thăm dò qua phiếu phỏng vấn về thực trạng sinh hoạt hằng ngày của nữ sinh, nhóm nghiên cứu đã xác định các nguyên nhân dẫn đến việc choáng, ngất trong giờ học văn hóa, đặc biệt đối với học sinh lớp 12.

- Gần 90% em được hỏi không tập thể dục thường xuyên từ 30-45 phút/ngày. Do thiếu vận động thể lực nên khi bị căng thẳng như làm bài kiểm tra…, tần số tim mạch, huyết áp tăng, nhưng tần số hô hấp chậm lại, cơ thể sẽ bị thiếu máu não, thiếu oxy não, thiếu năng lượng cho não.

- Sinh hoạt, ăn uống chưa hợp lý. 49,7% em được hỏi chỉ ăn điểm tâm sau vài tiết học đầu. Qua một đêm, bao tử không còn thức ăn, các men proteinlasa, pepsinosa… có thể sẽ chuyển hóa niêm mạc bao tử làm cho việc hấp thu, chuyển hóa thức ăn kém, không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, nhất là cho não (não không có năng lượng dự trữ như ở cơ bắp), nên dẫn đến hạ đường huyết, hạ canxi huyết, khiến cơ thể giảm hoạt động, hoặc choáng, ngất khi quá suy yếu.

Học sinh ít uống nước hoặc không dám uống nước do sợ mắc tiểu tiện trong giờ học. Mỗi ngày uống nước ít hơn 1 – 1,5 lít nước. Trong cơ thể người, thành phần máu có 54% huyết tương, 45% hồng cầu, 1% tiểu cầu và bạch cầu. Do vậy, cơ thể luôn cần nước để “vận hành” chất dinh dưỡng đến các bộ phần cần thiết và đào thải chất độc hại.

- 41% em được hỏi ngủ ít, chỉ 4-6 giờ/ngày. Ngủ chính là giải pháp bảo vệ thần kinh và trí óc. Khi cơ thể mệt mỏi do hoạt động, cần phải có giai đoạn nghỉ ngơi. Thiếu ngủ, cơ thể sẽ bị suy nhược và dẫn đến choáng, ngất khi không thể chống đỡ nổi với sự thay đổi đột ngột của các điều kiện ngoại cảnh: căng thẳng tâm lý, áp suất không khí, nhiệt độ môi trường…

- Sinh lý, nội tiết không ổn định: Chu kỳ kinh nguyệt ngắn, thời gian hành kinh bị kéo dài (tỷ lệ 56%). Các em không bổ sung các khoáng chất, dẫn đến tình trạng thiếu các vi chất như can-xi, ma-nhê…

Cần tập luyện để nâng cao thể lực

Thầy tổ trưởng tổ Thể dục tham gia cùng nhóm nghiên cứu
- Vận động liên tục, vừa sức, có hệ thống, có khoa học. Chú ý phát triển tố chất sức bền (mỗi ngày tập luyện ít nhất 30-45 phút). Điều này giúp tăng tần số hô hấp, tần số tim mạch, quá trình đồng hóa tăng, dị hóa giảm. Để có thể thực hiện được vận động, luyện tập hợp lý không ảnh hưởng đến thời gian, không cần dụng cụ, sân bãi. Những phương pháp và nội dung tập luyện hợp lý mà có hiệu quả cao như: tập nhảy dây đơn, chạy tại chỗ, chạy vòng số 8 trong phòng với hai vật chuẩn như ghế, vòng phấn… Chạy kết hợp các bài thể dục nhịp điệu đã được học.

- Thường xuyên ăn điểm tâm trước khi đến trường.

- Uống nước đầy đủ theo nhu cầu từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để khỏi bị tụt huyết áp.

- Nghỉ ngơi hợp lý: ngủ từ 7-9 giờ/ngày để bảo vệ tế bào thần kinh và cơ thể có thời gian phục hồi.

- Bổ sung khoáng chất như 1.000-1.500mg can-xi/ngày.

Các biện pháp nêu trên được thực hiện đồng bộ, thường xuyên. Nhà trường và Sở Y tế nên cung cấp cho phòng y tế trường phổ thông những dược phẩm cần thiết: đường gluco, canxi, thuốc tăng tuần hoàn não… để sơ cấp cứu ban đầu các trường hợp choáng, ngất trong giờ học.

G.V NGUYỄN VĂN DŨNG

;
.
.
.
.
.