.

Những hiểm họa khôn lường từ thực phẩm

.

Nhu cầu về thực phẩm của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán là rất lớn. Đây cũng là thời điểm để hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tung ra thị trường ồ ạt hơn, trong khi việc kiểm soát, quản lý còn nhiều lỏng lẻo.               

Các loại cá tẩm ướp gia vị bày bán tại chợ Cồn đều không được che đậy để tránh bụi bẩn bám vào.

Cách đây đúng hai năm, trong dịp Tết Nguyên đán năm 2007, tại quận Sơn Trà xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm với 7 người mắc do cùng ăn bò khô tẩm ướp mua từ chợ. Các bác sĩ tham gia kíp trực cấp cứu vụ ngộ độc này cho biết, nguyên nhân là do bò khô không có nguồn gốc và tẩm ướp quá nhiều phẩm màu công nghiệp không cho phép.
 
Năm nay, mặc dù chưa đến Tết Nguyên đán nhưng những mặt hàng như bò khô, cá khô tẩm ướp tại các chợ trên địa bàn thành phố trưng bày khá bắt mắt, tuy vậy hầu hết không có bao bì, nhãn hiệu rõ ràng để người tiêu dùng yên tâm chọn lựa. Theo các tiểu thương kinh doanh bánh kẹo tại chợ Hàn, xu hướng chung của người tiêu dùng khi sắm Tết trong vài năm gần đây là mua mỗi thứ một vài kg bánh kẹo bọc gói nhỏ, đủ màu sắc, kiểu dáng được bán lẻ hoặc cân ký để sử dụng và tiếp khách.

Thế nhưng, các sản phẩm này thường không rõ nguồn gốc vì chủ yếu là hàng của Trung Quốc hoặc chỉ là sản phẩm nhân trần không có nhãn mác, nơi sản xuất. Hiện nay, tại các chợ lớn của thành phố, các loại mứt Tết cũng được bày bán trong các lọ thủy tinh mà ít thấy ghi địa chỉ hay hạn sử dụng. Ngoài sạp hàng cố định, còn có rất nhiều sạp hàng được mở tranh thủ theo mùa với sản phẩm bày bán không được đóng gói, bao bì. Nếu thấy có lực lượng kiểm tra thì những chủ hàng di động này nhanh chân thu dọn và biến mất.

Gần Tết, mặt hàng nem, chả, lạp xưởng và các sản phẩm có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm được tiêu thụ mạnh. Tuy vậy công tác quản lý chất lượng từ nguyên liệu đầu vào vẫn chưa chặt chẽ. Hiện nay, vi phạm phổ biến nhất đối với các sản phẩm làm từ gia súc là nguồn nguyên liệu chưa qua kiểm tra, kiểm soát.

Mứt, lạp xưởng sản xuất tại gia đình không chỉ có vấn đề về nước bẩn, bụi bặm mà những người sản xuất còn sử dụng hóa chất rất bừa bãi. Phần lớn hóa chất các gia đình dùng để tẩm mùi, nhuộm màu cho sản phẩm là hàng trôi nổi, giá rẻ và rất độc hại như hàn the, chất chống ẩm mốc, đường hóa học, phẩm màu. Điều đáng lo là hiện nay việc quản lý các loại phẩm màu công nghiệp vẫn chưa được cơ quan chức năng quan tâm.

Vẫn như mọi năm, năm nay Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã lên kế hoạch kiểm tra các cơ sở chế biến thực phẩm Tết từ rất sớm. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc kiểm tra của các cơ quan chức năng vẫn còn hình thức. Chẳng hạn số hộ gia đình tham gia sản xuất thực phẩm thì đông, nằm rải rác khắp nơi trong thành phố, còn lực lượng chức năng không có khả năng “lùng sục” tận hộ gia đình để kiểm tra VSATTP.
 
Đó là chưa kể phần lớn hộ cá thể kinh doanh tự phát, không có đăng ký kinh doanh, cơ quan chức năng cũng chưa thể kiểm định để cấp giấy chứng nhận VSATTP. Một bất cập khác là sự thiếu nhất quán trong việc thực hiện chủ trương bảo đảm VSATTP “sạch từ trang trại đến bàn ăn”. Lâu nay, hễ nói đến VSATTP, nhiều người nghĩ ngay đến ngành y tế, trong khi thực tế ngành y tế chỉ có nhiệm vụ tuyên truyền, kiểm tra và giải quyết hậu quả khi xảy ra sự cố.

Thực phẩm an toàn không chỉ đòi hỏi cao từ khâu chọn nguyên liệu, sản xuất chế biến, bảo quản mà còn đến khâu lưu thông, bày bán trên thị trường. Ngoại trừ các doanh nghiệp sản xuất lớn có đăng ký bảo hộ sản phẩm, còn lại phần lớn các sản phẩm do tư nhân sản xuất không được đóng gói, hoặc có cũng ghi qua loa địa chỉ chứ không thông tin hạn sử dụng cụ thể, rõ ràng. Điều đáng lo là hiện nay không ít người tiêu dùng còn quá chủ quan với tình trạng thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh được bày bán trên thị trường.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

 

;
.
.
.
.
.