.

Tắm nắng cho trẻ vào mùa đông

.

Việt Nam là đất nước nhiệt đới nhưng bệnh còi xương do thiếu vitamin D vì ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vẫn xảy ra ở một số trẻ em.

Tác dụng của vitamin D:

1
 Ảnh tư liệu
Vitamin D là chất giúp xương phát triển vững chắc, tăng sức mạnh cơ bắp. Nếu thiếu vitamin D, trẻ em dễ bị bệnh còi xương, người trưởng thành dễ bị loãng xương, làn da bị lão hóa. Trẻ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường có biểu hiện thiếu vitamin D như: biếng ăn, ngủ hay giật mình, đổ mồ hôi trộm, tóc mọc không đều.

Đặc biệt với trẻ sinh thiếu tháng, trẻ không được bú sữa mẹ thì khả năng thiếu hụt vitamin D nhiều hơn. Vitamin D được thu nhận qua thức ăn rất ít, chủ yếu do cơ thể tự tổng hợp từ ánh nắng mặt trời. Vì vậy, tắm nắng là điều kiện bắt buộc để trẻ có cơ thể khỏe mạnh, cứng cáp.
Cách tắm nắng an toàn cho trẻ:

Ngay sau khi sinh khoảng 1 tuần, bà mẹ và em bé nên được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng. Lúc đầu chỉ nên tắm nắng trong vòng vài phút, sau tăng dần, khi trẻ được 3 tháng trở lên có thể tắm nắng trong khoảng nửa giờ, chú ý tránh gió lộng. Nếu trẻ sinh vào mùa đông thì có một chút ánh nắng mặt trời cũng phải tận dụng.

Nếu trẻ sinh  vào mùa xuân và mùa thu nên bế trẻ ra ngoài nhà tắm nắng từ 9 - 11 giờ hoặc 15 - 17 giờ và chú ý mặc ít quần áo cho trẻ. Thoạt đầu, có thể cởi bỏ tã để trẻ tắm nắng  tay, mặt và mông, sau đó tùy tiết trời dần dần mở rộng phạm vi để hở da thịt trẻ, thời gian tắm nắng cho trẻ mỗi lần chỉ từ 10 đến 15 phút dưới ánh nắng nhẹ.

Nếu là mùa hè nên cho trẻ tắm nắng lúc 6 giờ 30 đến 7 giờ 30, sau khi tắm nắng phải kịp thời lau khô mồ hôi cho trẻ và cho trẻ uống một chút nước bổ sung (chú ý: Khi tắm nắng nên cho trẻ đội mũ đừng để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào đầu, không cho trẻ tắm nắng quá lâu, quá  30  phút sẽ  không tốt cho trẻ). Khi ngoài trời có nhiều gió, các bà mẹ vẫn có thể cho trẻ ngồi trong nhà, bên khung cửa mở rộng nhưng không “tắm nắng” phía sau cửa kính. Có người nghĩ rằng khi có nắng lên mới cho trẻ ra tắm, lúc ấy nếu ánh mặt trời đã trở nên chói chang thì tác dụng tốt không còn mà chỉ còn tác hại do tia cực tím chiếu vào da, mắt của trẻ.

Cách phòng ngừa bệnh còi xương:

Tắm nắng thường xuyên để phòng bệnh còi xương là biện pháp vừa dễ thực hiện vừa không tốn tiền. Kể cả những gia đình có đời sống vật chất tương đối, ngoài việc ăn uống đầy đủ các loại thực phẩm, cũng cần cho trẻ tắm nắng để cơ thể phát triển khỏe mạnh, thông minh. Để dự phòng còi xương cho mẹ và bé, các bà mẹ ngay từ thời kỳ mang thai nên dành thời gian tắm nắng bằng cách đi dạo ngoài trời, chọn thực phẩm giàu vitamin D và canxi.

Trẻ sinh ra cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khi cho trẻ ăn bổ sung, cần cho thêm dầu mỡ vào bát bột để tăng hấp thu vitamin D (là chất có nhiều trong cá, thịt, trứng, nấm...) vì chất này thuộc loại tan trong dầu.

Nếu thấy trẻ có các biểu hiện thiếu vitamin D như biếng ăn, ngủ hay giật mình, đổ mồ hôi trộm, tóc mọc không đều, điều trước tiên và lâu dài là phải cho trẻ tắm nắng. Khi những biểu hiện thiếu vitamin D - còi xương rõ rệt hơn cần đưa trẻ đến bác sĩ, qua thăm khám, bác sĩ sẽ xác định trẻ có cần dùng thêm vitamin D hay không, tuyệt đối các bà mẹ không được tự ý tiêm hay cho trẻ uống vitamin D. Vitamin D sẽ trở nên nguy hại khi dùng quá liều.        

Bs. THU THỦY

;
.
.
.
.
.