Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong lĩnh vực điều trị hiện có 141.148 cán bộ y tế, thiếu khoảng 47.053 người, tức khoảng 30% so với hiện có. Ở lĩnh vực dự phòng, cả nước cần bổ sung 16.000 cán bộ, nhất là ở các tuyến dưới. Nếu mỗi năm đào tạo 15.000 bác sĩ thì đến năm 2015 cũng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của xã hội và chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển của các cơ sở y tế công lập, tư nhân.
|
Vì vậy, từ nhiều năm qua, nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân mặc dù được bổ sung nhưng vẫn thiếu đầu, hụt đuôi, đó là chưa nói đến tình trạng mất cân đối lớn giữa các chuyên ngành và chuyên khoa. Sinh viên ngành y, dược tốt nghiệp ra trường hầu hết chỉ mong về được những bệnh viện lớn của thành phố để tiện cả đôi đường về mặt thu nhập và sinh hoạt. Cán bộ y tế rất ngại về công tác tại các tuyến phường, xã.
Các trung tâm y tế dự phòng, các trung tâm phòng chống bệnh xã hội, các khoa tâm thần hay các tuyến dưới đều chung “nỗi niềm” thiếu nguồn nhân lực. Nhu cầu ở các trung tâm, cơ sở này là rất lớn, chỉ tiêu biên chế được phân bổ cũng không ít nhưng năm nào cũng mỏi mắt chờ con người…
Trước thực trạng trên, việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực là một trong các biện pháp được ngành Y tế đặt ra trong năm 2009 để thực hiện 4 chỉ tiêu chính: đạt 26,85 giường bệnh/10.000 dân, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 19%, giảm tỷ lệ sinh 0,2 phần ngàn, tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 75%.
Bộ GD-ĐT cũng đề ra các giải pháp tăng quy mô đào tạo của hệ thống trường đại học, cao đẳng y, dược để đạt bình quân hơn 45.000 sinh viên, học sinh/năm vào năm 2015, đồng thời mỗi tỉnh phấn đấu có ít nhất một trường cao đẳng y tế.
Tính đến tháng 8-2008, cả nước có 20 cơ sở đào tạo nhân lực y tế bậc đại học và sau đại học, 29 cơ sở đào tạo nhân lực y tế từ cao đẳng trở xuống. Quy mô đào tạo đại học vẫn là chính, chiếm tỷ lệ 86,7%. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đào tạo rất ít, một phần cũng là do yêu cầu “đầu vào” của ngành y khá cao so với các ngành khác. Bình quân trong 4 năm học từ 2004-2008, cả nước chỉ có 31.907 sinh viên ngành y (khoảng hơn 5.000 sinh viên/năm).
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc đào tạo theo nhu cầu là cần thiết và đúng đắn với 4 cái lợi: cho người học, cho người sử dụng, cho cơ sở đào tạo và cho xã hội. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đến tháng 1-2009, Bộ Y tế kết hợp với Bộ GD-ĐT có báo cáo ghi nhận những giải pháp tháo gỡ cho những bất cập của nhân lực y, dược; sau đó đến tháng 3-2009 hoàn thành đề án chiến lược, định hướng đào tạo nguồn nhân lực y, dược đến năm 2015 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Song, tăng quy mô phải gắn liền với các điều kiện bảo đảm chất lượng nhưng chương trình tiên tiến trong công tác đào tạo ở ngành y vẫn chưa có. Trong khi đó, chương trình cũ lạc hậu, giáo trình chưa đủ về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập nên tình trạng dạy chay, học chay ở một số môn học, học phần vẫn còn phổ biến; cơ sở vật chất của một số trường đã xuống cấp trầm trọng; thiếu đội ngũ giảng viên, đặc biệt trong lĩnh vực y học cơ sở.
Trong năm 2008, đề án cử cán bộ y tế đi công tác luân phiên về các tuyến để hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và nâng cao chất lượng y tế cơ sở đã đạt hiệu quả bước đầu, góp phần giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Nhưng biện pháp lâu dài để bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y vẫn là công tác đào tạo bài bản, chất lượng, cân đối. Ngành y tế không thể chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân khi chưa giải quyết được bài toán về con người.
BÌNH YÊN