.

Tăng ngày khám trong tuần để giảm tải

.

Theo lịch hướng dẫn, sáng thứ ba (10-2), tôi đến Phòng khám Nội tiết của Bệnh viện Đà Nẵng để khám. Gần 7 giờ sáng, các dãy ghế trước cửa phòng khám đã đông nghịt bệnh nhân ngồi chờ, trong khi theo quy định 7 giờ 30 bệnh viện mới làm việc.    

Bệnh nhân ngồi chờ rất đông trước cửa phòng khám chuyên khoa của Bệnh viện Đà Nẵng.

Từ 7 giờ, TS.BS Trần Bá Thoại, ThS.BS Hà Nữ Thùy Nhi và 3 điều dưỡng viên đã bắt tay vào việc. Cả 5 người làm việc rất tận tụy, khẩn trương với thái độ niềm nở, vui vẻ. Tuy vậy, điều làm tôi băn khoăn là bệnh nhân nào cũng chỉ được khám khá nhanh, bác sĩ xem kết quả xét nghiệm hôm trước, cho y lệnh điều trị và hướng dẫn ngắn gọn. Gần như họ chỉ đủ thời gian xem qua kết quả xét nghiệm, cho y lệnh mà không có đủ thời gian trả lời thắc mắc của bệnh nhân. Nhìn nét mặt những người đi ra từ phòng khám, tôi có cảm giác họ chưa thỏa mãn cho lắm.

Theo tôi biết, bệnh nội tiết và chuyển hóa là những bệnh mãn tính với nhiều biến chứng cần phải điều trị chuyên sâu, lâu dài với chế độ ăn uống, chăm sóc đặc biệt, thầy thuốc phải hướng dẫn, trao đổi kỹ càng với bệnh nhân để có  giải pháp điều trị thích hợp.

Sau buổi khám, tôi trực tiếp gặp TS.BS Trần Bá Thoại nêu sự băn khoăn của mình cũng như nhiều bệnh nhân khác về tình trạng quá tải ở phòng khám và được ông cho biết: “Cũng khó lắm, người dân tin tưởng quá mức vào Bệnh viện Đà Nẵng đến độ những bệnh tuyến dưới dư sức theo dõi, điều trị, song họ vẫn nằng nặc xin chuyển lên bệnh viện tuyến trên cho bằng được”.

Theo thống kê của một điều dưỡng viên, trong sáng ngày 10-2, phòng khám này đã giải quyết cho hơn 260 bệnh nhân. Quả là con số quá lớn ở một phòng khám. Làm phép chia đơn giản, như vậy mỗi bệnh nhân chỉ được bác sĩ thăm khám, tư vấn, kê toa trong vài ba phút. BS Thoại cũng cho biết thêm: “Ngoài bệnh đái tháo đường, còn có một loại bệnh nội tiết quan trọng mà chúng tôi phải quản lý, điều trị là bệnh bướu cổ Basedow. Nhiều lúc bệnh nhân “đi lạc” qua khoa Y học hạt nhân, chúng tôi cũng đành nhờ họ “dài tay” điều trị giúp, vì bệnh nhân đến khám quá đông, không đủ thời gian quản hết...”.

Tôi mạnh dạn đặt vấn đề với ông: “Tại sao bệnh viện không tổ chức khám nhiều ngày trong tuần mà chỉ khám duy nhất một ngày thứ ba”. BS Thoại cho hay: “Vấn đề anh nêu, Khoa tôi đã đề xuất từ lâu nhưng chưa giải quyết được. Đúng ra khám cả tuần mới đáp ứng nhu cầu của người bệnh, vì bệnh tật có chọn ngày, chọn giờ đâu.

Vả lại, bệnh nội tiết cần có các xét nghiệm liên quan để theo dõi; cụ thể như để theo dõi, điều trị bệnh đái tháo đường cần phải làm xét nghiệm “đường máu đói”, nghĩa là phải lấy máu buổi sáng, khi bệnh nhân chưa ăn uống gì. Chỉ khám ngày thứ ba chắc chắn gây khó khăn không ít cho bệnh nhân, đặc biệt những người ở xa Đà Nẵng, vì họ phải làm xét nghiệm từ ngày thứ hai trước đó...”.

Thiết nghĩ, một bệnh viện lớn như Bệnh viện Đà Nẵng, cần tổ chức khám chuyên khoa cũng như các bệnh khác vào tất cả các ngày trong tuần để giảm áp lực lên phòng khám, tạo điều kiện cho bác sĩ có thêm thời gian tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân cặn kẽ hơn.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.