Đi dọc các đường phố Đà Nẵng, bạn sẽ thấy vô vàn quán bán hàng ăn. Từ cơm bình dân, bún, phở, nem lụi, hủ tiếu, chè... đến ốc hút, cháo lòng... Những quán ăn đó tiện cho người tiêu dùng, nhưng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) lại đáng lo ngại.
Tại một quán bún trên đường Phạm Như Xương, cô bán hàng một tay bốc bún, một tay nhận tiền, rồi chan nước, rồi lại bốc thịt. Bàn tay ấy như một cỗ máy đã được cài sẵn chương trình, ngày qua ngày “nhận, bốc, chan” không biết bao nhiêu lần. Cái cảnh này có thể bắt gặp ở vô số quán ăn, nhưng dường như những “thượng đế” ít ai quan tâm tới chuyện ấy. Đồng tiền – thứ mà ai cũng yêu quý lại chính là thứ mất vệ sinh nhất với hàng trăm loại vi khuẩn gây bệnh. Đồng tiền từ tay chị bán thịt, tôm, cá, chị bán rau, cô bán xôi, bánh cuốn rồi lại được cất trong túi, ví...
Trong những món ăn đường phố khoái khẩu của các “thượng đế”, nhất là sinh viên mỗi buổi tối sau khi tan học là ốc hút. Để có một đĩa ốc hút ngon lành xào sả ớt, lá chanh, phải tốn khá nhiều công sức, qua nhiều công đoạn: ngâm ốc trong nước gạo, thay nước hằng ngày, chà xát với lá chanh, cưa đuôi... Thế nhưng, có ốc bán hằng ngày nếu làm như vậy sẽ tốn thời gian, công sức.
Để có lãi và không mất công chọn lựa, các quán ốc thường mua ốc đại trà – tức là không loại bỏ những con bị tụt miệng. Vì thế, chuyện ngâm ốc lâu còn khiến ốc chết hàng loạt. Để khắc phục điều này, họ thường để khô ốc, thi thoảng mới tưới nước, lúc nào đem cưa đuôi để xào thì rửa qua loa vài lần là xong. Vậy mà lúc xào lên thì mùi vị vẫn vô cùng hấp dẫn, giá cả lại khá mềm, từ 7.000-10.000 đồng một đĩa to nên các “thượng đế” không thể bỏ qua.
Thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2008, cả nước xảy ra 205 vụ ngộ độc thực phẩm làm 7.828 người mắc, 61 người tử vong. |
Mất VSATTP đang ở mức báo động đỏ, đang là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng. Tại các thành phố lớn và các khu đô thị, số lượng những điểm sản xuất, kinh doanh thức ăn, những gánh hàng rong lại là một con số khổng lồ so với số lượng cán bộ, nhân viên làm công tác kiểm tra VSATTP.
Hơn nữa, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm lại chưa được phổ biến rộng rãi. Khi người tiêu dùng còn quá dễ dãi chấp nhận thức ăn đường phố thì công tác quản lý chất lượng, vệ sinh thức ăn đường phố chỉ như muối bỏ bể. Người tiêu dùng liệu có nên đánh đổi sức khỏe của mình chỉ vì những lý do hết sức giản đơn như thời gian eo hẹp, công việc bận rộn... hay không?
HỒNG CẨM