.

Giới trẻ đã quan tâm đến sức khỏe sinh sản

.

Trong Tháng Thanh niên 2009, Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động thành phố đã phối hợp thực hiện Chương trình tư vấn sức khỏe sinh sản (SKSS) cho hơn 1.000 nữ thanh niên, công nhân tại các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thu,  Trung tâm Chăm sóc SKSS Đà Nẵng, người trực tiếp tham gia tư vấn trong chương trình này, đã có những chia sẻ về sự hiểu biết của nữ công nhân đối với vấn đề SKSS và tình dục an toàn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thu đang tư vấn cho công nhân.

* Xin bác sĩ cho biết, qua các chương trình tư vấn SKSS, bác sĩ đánh giá như thế nào về mức độ hiểu biết của nữ công nhân trong vấn đề này?

- Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thu (N.T.T.T): Gần 30 năm làm công tác tư vấn chăm sóc SKSS, tôi nhận thấy kiến thức về các bệnh phụ khoa thường gặp, HIV, SKSS… của các bạn trẻ có tăng lên. Mặt bằng về trình độ học vấn của công nhân có tăng, do đó, mức độ nắm bắt các thông tin về SKSS từ các phương tiện truyền thông cũng đã tốt lên nhiều. Điều này thể hiện qua những câu hỏi mà các bạn gửi đến cho chúng tôi, rất cụ thể và có vấn đề.

Song, hiểu biết về tình dục an toàn và nguy hại của việc nạo, phá thai vẫn  là điều yếu nhất, lỗ hổng kiến thức lớn nhất của nữ thanh niên hiện nay. Bằng chứng cho thấy là tỷ lệ nạo phá thai vẫn không giảm và đang diễn biến phức tạp (Theo số liệu từ Trung tâm Chăm sóc SKSS thành phố Đà Nẵng, trong năm 2008, ngày cao điểm nhất, trung tâm tiếp nhận 44 ca nạo, phá thai. Tính đến tháng 11-2008, trên toàn thành phố, có 6.440 ca nạo, phá thai (P.V).

Nhiều em sử dụng thuốc ngừa thai sai quy định, lạm dụng thuốc tránh thai ngày hôm sau, hoặc ngơ ngác khi biết mình đã có thai. Là công nhân, nhân viên hay sinh viên đại học…, các em cũng đều tỏ ra ngây ngô và để lại những hậu quả rất đau lòng.

* Điều kiện sinh hoạt tại khu công nghiệp và các khu nhà trọ có ảnh hưởng như thế nào đối với việc giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa các bệnh phụ khoa của nữ công nhân, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ N.T.T.T: Ở chung đông người, tắm rửa, phơi phóng sẽ khó bảo đảm vệ sinh. Bên cạnh đó, công nhân phải làm theo ca hoặc tăng ca, việc sử dụng nhà vệ sinh cũng là một câu chuyện đáng bàn. Các em cho biết, trong giờ làm việc, vào nhà vệ sinh nhiều sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động và có thể bị người quản lý đánh giá là lười biếng nên “nhịn” hoặc đợi về nhà mới làm vệ sinh.

* Thưa bác sĩ, tâm lý e dè, ngại ngùng với bao cao su (BCS) vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ. Bác sĩ có ý kiến gì về điều này?

- Bác sĩ N.T.T.T:
Trước khi trả lời, tôi xin kể câu chuyện. Trong một lần chúng tôi phát BCS miễn phí trên đường, một nhóm bạn trẻ thấy đông người, tưởng có công ty nào tặng quà nên ào tới lấy. Vừa tới nơi, cả nhóm đã ré lên rồi ùa bỏ chạy. Câu chuyện trên chứng minh cho thái độ của rất đông bạn trẻ còn coi BCS là một vật dụng quá nhạy cảm. Quan niệm sợ người khác đánh giá, nếu thấy mình có ý sử dụng BCS, khiến hậu quả nạo phá thai diễn ra trầm trọng hơn.

Tuy vậy, để thay đổi quan niệm không phải là chuyện một sớm, một chiều. Chúng tôi đang tính đến giải pháp vừa khích lệ các bạn trẻ dùng BCS như một lựa chọn an toàn trong quan hệ tình dục, đồng thời “sống chung” với tâm lý e dè bằng cách tăng các điểm cung cấp BCS sao cho thật kín đáo, riêng tư, tạo sự thoải mái khi các bạn tiếp cận dịch vụ này.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

THU HOA (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.