.

Phòng mạch cuối tuần

.

* Cây lược vàng có phải là loại cây chữa được rất nhiều bệnh không? Sử dụng như thế nào? (Nguyễn Văn Chính, tổ 13 phường Thạch Thang, Hải Châu, Đà Nẵng).

 Cây lược vàng.

Theo kinh nghiệm dân gian, cây lược vàng chữa các chứng bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thoái hóa đốt sống cổ, viêm đại tràng mạn tính, viêm gan, táo bón, chảy máu dạ dày, tiểu đường, mỡ máu, thấp khớp, chấn thương trầy xước, bầm tím, viêm họng, viêm mũi, viêm thận, đau răng, loét lợi, eczema, sỏi thận, tai biến mạch máu não, u xơ tuyến tiền liệt, ung thư, đau lưng, bỏng, say rượu...

Dạng dùng thông thường là lấy cây tươi rửa sạch, nhai với ít muối, nuốt nước (mỗi lần 2-3 lá) hoặc cắt nhỏ, ngâm rượu, uống (mỗi lần 1/3 chén con). Ngày dùng 3 lần. Dùng ngoài, giã đắp hoặc xoa bóp bằng rượu ngâm lá.

Nhưng mới đây, nhóm các nhà khoa học của Viện Dược liệu nghiên cứu về cây “thần dược” lược vàng và đã cung cấp đến bạn đọc những thông tin ban đầu. Cây lược vàng (tên khoa học là Callisi fragrans) là cây thuốc được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian ở Nga nhưng trên thế giới có rất ít các công bố khoa học về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của cây. Tại Việt Nam, cây lược vàng chưa được nghiên cứu mà chủ yếu mới chỉ được dùng chữa bệnh theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhóm thu được thật bất ngờ. Về kết quả thử tác dụng chống viêm cấp trên thực nghiệm với liều dùng tương đương với 50g dược liệu tươi/kg thể trọng chuột cho thấy lược vàng không có tác dụng chống viêm, thậm chí cao chiết cồn 50% từ thân lược vàng còn tăng phản ứng viêm.

Về khả năng kháng khuẩn, trong 3 chủng vi khuẩn thường gặp, cao chiết của lá và thân lược vàng có tác dụng kháng khuẩn đối với Staphylococcus aureus nhưng phải ở nồng độ rất cao so với kháng sinh tham chiếu là azithromycin. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy cao chiết lá và thân lược vàng còn có độc tính cấp, gây chết chuột thí nghiệm ở liều uống cao tương đương với từ 2.100g - 3.000g dược liệu tươi/kg thể trọng.

Theo nhóm nghiên cứu, về nguyên tắc, có độc tính không có nghĩa là không nên dùng mà vấn đề đáng quan tâm là liều dùng nào đạt được tác dụng dược lý mong muốn và liều dùng nào gây ảnh hưởng không có lợi với sức khỏe con người. Bởi trên thực tế một số loại thuốc có liều độc vẫn có thể được chấp nhận dùng để chữa bệnh nhưng phải đặt dưới sự theo dõi của bác sĩ điều trị. Với cây lược vàng, liều sử dụng trên súc vật thí nghiệm không phải là liều sử dụng cho người. Nếu so với liều dùng bình thường, như người dân sử dụng 5-6 lá/ngày thì liều độc gây chết (50%) phải gấp 1.000 lần như thế, điều này đồng nghĩa với việc người dân không nên xay cây lược vàng nhiều như rau má để uống.

Qua kết quả nghiên cứu bước đầu này, nhóm nghiên cứu chưa thể khẳng định rằng người dân sử dụng với liều lượng 5 - 6 lá/ngày có bị ảnh hưởng đến sức khỏe hay không. Nhóm nghiên cứu khuyến cáo khi các nhà khoa học chưa đưa ra kết luận cuối cùng về tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng, người dân hãy thận trọng khi sử dụng loại cây vốn được đồn thổi là thần dược. Những thông tin về cây lược vàng có tác dụng thực sự như dân gian truyền miệng hay không và hoạt chất thực sự của nó là gì, giúp người dân sử dụng cây lược vàng an toàn và hiệu quả đang được tiếp tục nghiên cứu và chúng tôi sẽ thông tin cho bạn đọc sớm nhất.

* Con gái tôi 2 tuổi, bé rất thích chơi với mèo (của nhà hàng xóm) nhưng tôi không cho, sợ bé lây bệnh hen suyễn. Trẻ chơi với vật nuôi có tốt không? (Trần Thanh Thủy, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Không ít người cho rằng trẻ sớm tiếp xúc với vật nuôi như chó, mèo dễ mắc hen suyễn và các bệnh dị ứng. Song một nghiên cứu mới đây trên gần 2.500 trẻ ở Thụy Điển cho thấy, những em thường chơi với vật cưng có khả năng miễn dịch tốt hơn.

Nhóm chuyên gia nhận thấy, nồng độ IGE - chỉ tiêu xác định lượng globulin miễn dịch - ở những trẻ thường xuyên quấn quýt với động vật cao, do đó khả năng kháng bệnh tốt. Trong khi đó, những em không gần gũi với vật nuôi có tới 80% nguy cơ mắc bệnh. Việc trẻ sớm được tiếp xúc với những vi sinh vật có nhiều trong chó, mèo, giúp các em mau chóng thích nghi với môi trường hơn.

P.M.C.T

 

 

;
.
.
.
.
.